Từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng thế mạnh của Hà Nội

Địa phương
07:55 AM 22/07/2024

Là địa phương có nguồn gen rất phong phú nhưng việc phát triển kinh tế từ cây dược liệu tại Hà Nội hiện vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi cần có quy hoạch đầu tư bài bản, căn cơ, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng thế mạnh của Hà Nội

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng 250ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã: Sóc Sơn (88ha), Phú Xuyên (36,7ha); Đông Anh (35 ha); Sơn Tây (31ha); Quốc Oai (26ha); Chương Mỹ (18,5ha) và Ba Vì (13ha).

Một vùng trồng cây dược liệu tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội). Ảnh: KTĐT

Một vùng trồng cây dược liệu tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội). Ảnh: KTĐT

Năng suất cây dược liệu của Hà Nội có xu hướng tăng từ 73,5 tạ/ha (năm 2020) lên 86,05 tạ/ha (năm 2023), tương đương chỉ số tăng bình quân 5,4%/năm. Các mô hình cây dược liệu đã và đang mang lại giá trị kinh tế vượt trội, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Nguồn gen dược liệu được trồng trên địa bàn thành phố khá đa dạng với khoảng 176 nguồn gen được gieo trồng trên địa bàn 16 quận, huyện của thành phố. Nguồn gen cây dược liệu chủ yếu tập trung tại hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì. Đây là hai huyện miền núi có rừng, điều kiện thời tiết khí hậu rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: Khôi tía, trà hoa vàng, thìa canh, kim ngân hoa, đương quy, cát cánh, sachi, bạc hà, tàu bay, đinh lăng, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, nhân trần…

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển cây dược liệu, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu để cùng hỗ trợ cho nông dân. 

Những mô hình trồng cây dược liệu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo chuỗi liên kết trong sản xuất với tiêu thụ, giúp doanh nghiệp gần với người nông dân, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay nhu cầu về dược liệu ngày càng nhiều nhưng phần lớn là nhập khẩu. Việc sản xuất được cây dược liệu tại chỗ sẽ là cơ hội để Hà Nội hình thành vùng sản xuất chuyên canh, các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội

Để cây dược liệu tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư đẩy mạnh việc phát triển sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030. 

Đồng thời, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù, như: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển dược; tuyên truyền kiến thức về nguồn gốc, tác dụng của dược liệu, nhất là các dược liệu của địa phương; quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm dược liệu đặc trưng của thành phố…

An Mai
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.