Tung chiêu khuyến mãi thu hút kiều hối cuối năm
Vào cuối năm, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh. Đó là lý do khiến các ngân hàng đua nhau ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, thậm chí lập website, công ty riêng nhằm thu hút lượng khách hàng đông đảo này.
Tung chiêu khuyến mãi đón kiều hối trước Tết
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nguồn kiều hối chuyển về từ nước ngoài chủ yếu qua 4 kênh là ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan hoặc bưu điện. Trong đó, khoảng 72% tiền gửi về qua các ngân hàng thương mại.
Theo quy luật, lượng kiều hối thường về mạnh trong những tháng cuối năm, do kiều bào ở nước ngoài muốn gửi tiền cho người thân trong nước chi tiêu dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7 tỉ USD, chiếm 6,4% GDP, tăng 800 triệu USD so với năm 2018. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, kiều hối về Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt hơn 15,68 tỉ USD, tương đương 5,8% GDP.
Hiện nay, các "đại gia" về kiều hối như Vietcombank, Sacombank, Agribank, BIDV… đều đang triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.
Ngày 10-12/2020, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, ước cả năm nay, kiều hối đổ về TP HCM đạt khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 8% so với năm ngoái. Con số này là tích cực trong bối cảnh dòng kiều hối suy giảm ở nhiều thị trường trên thế giới.
Tại một số ngân hàng, lượng kiều hối chảy về còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết doanh số kiều hối chuyển về thông qua hệ thống Sacombank trong năm nay dự kiến tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
Có sự đột biến này, theo ông Nguyễn Minh Tâm do năm nay, Sacombank áp dụng phương thức thanh toán kiều hối qua hệ thống thanh toán trực tuyến API, tạo thuận lợi cho khách hàng có thể chuyển những khoản tiền nhỏ nhất và chuyển được nhiều lần mà không mất nhiều thời gian, thủ tục.
Cũng theo ông Tâm, ngoài thị trường kiều hối chủ lực là Mỹ, các thị trường mới nổi nhờ lực lượng xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc... kiều hối chuyển về thông qua hệ thống Sacombank cũng tăng mạnh trong năm nay.
Cụ thể hơn, BIDV cho biết vừa chính thức mở rộng mạng lưới giao dịch nhận tiền kiều hối từ Nga, Séc về Việt Nam qua kênh chuyển tiền quốc tế KoronaPay.
Công ty kiều hối Sacombank-SBR cũng đang phối hợp với các đối tác triển khai 2 chương trình khuyến mại với nhiều quà tặng hấp dẫn, khi khách hàng gửi kiều hối từ Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) về Việt Nam.
Tại Vietcombank, khi khách chuyển - nhận tiền kiều hối có giá trị từ 1.000 USD trở lên (hoặc tương đương) qua kênh nhận tiền kiều hối Xoom sẽ được tặng tiền vào tài khoản cá nhân cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác. Xoom là dịch vụ chuyển tiền của PayPal - nền tảng thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ chuyển tiền trực tuyến khắp thế giới.
Hay Agribank vừa hợp tác với D.Communications (DCOM) cung cấp dịch vụ chuyển tiền tiết kiệm chi phí và dễ dàng sử dụng nhằm hỗ trợ cộng đồng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Khách hàng tại Nhật có thể chuyển tiền từ DCOM về qua hệ thống của Agribank và người ở Việt Nam có thể nhận trong vòng 1 phút qua tài khoản hoặc tiền mặt…
Tăng chất lượng dịch vụ tạo động lực cho đầu tư và phát triển
Theo nhận định của các chuyên gia, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, các nhà băng rất chú trọng và tích cực mở rộng thị trường.
Lãnh đạo một công ty ngoại hối cho biết những năm trước, khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên thời gian gần đây với hỗ trợ về tỷ giá của Nhà nước, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng, giúp cho hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng phát triển rõ rệt.
Hiện nay, các ngân hàng đang cố gắng đẩy sự chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do rút ngắn dần. Có thể thấy, trong thời gian gần đây, có những lúc tỷ giá trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do đã bằng nhau.
Mặt khác, thời gian qua, các ngân hàng và công ty kiều hối cũng đã gia tăng những tiện ích và chất lượng dịch vụ chi trả cho khách hàng, như: khách hàng có thể nhận tiền tại quầy, tại nhà hoặc qua tài khoản, với thời gian chi trả nhanh chóng. Thậm chí, khách hàng có thể nhận được tiền ngay trong vòng 5-10 phút sau khi người từ nước ngoài gửi về.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng: Chính nhờ cơ chế chuyển nhận kiều hối thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đã giúp cho nguồn kiều hối chảy mạnh về nước trong thời gian qua. Theo đó, người nhận và chuyển kiều hối không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay bất cứ khoản phí nào, linh hoạt nhận rồi gửi vào tài khoản hoặc chuyển đổi ra tiền mặt...
Có thể nói với với lượng kiều hối gửi về nước tăng mạnh không chỉ giúp thân nhân Việt kiều có một cuộc sống tốt hơn, mà còn tác động tích cực tạo động lực cho đầu tư, phát triển kinh tế Việt Nam. Đồng thời, nguồn kiều hối sẽ góp phần thúc đẩy thị trường, thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng đa dạng.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.