Từng là tâm điểm chỉ trích của nhà đầu tư, Quỹ Vision của Masayoshi Son đã hồi phục ngoạn mục với khoản lãi 5 tỷ USD như thế nào?

Đầu tư và Tiếp thị
12:30 PM 08/02/2021

Sự hồi phục đầy ấn tượng này diễn ra sau một thời gian dài Quỹ Vision phải hứng chịu khoản lỗ nặng nề và phản ánh sự thay đổi lớn đối với tài sản của quỹ này.

3 năm sau khi Quỹ Vision trở thành cổ đông lớn nhất của Uber, công ty này cuối cùng cũng được hưởng lợi từ ứng dụng gọi xe. Vào tháng 1, Quỹ Vision chỉ bán hơn 17% cổ phần Uber với khoảng 2 tỷ USD, và phần còn lại đang có trị giá khoảng 10,5 tỷ USD. Theo đó, quỹ đầu tư lĩnh vực công nghệ này đang ghi nhận khoản lợi nhuận 5 tỷ USD trên giấy tờ.

Sự hồi phục ngoạn mục này diễn ra sau một thời gian dài Quỹ Vision phải hứng chịu khoản lỗ nặng nề và phản ánh sự thay đổi lớn đối với tài sản của quỹ này. Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Quỹ Vision là một trong những công ty hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, danh tiếng của quỹ này đã sụt giảm nghiêm trọng sau một loạt những khoản đặt cược thất bại, điển hình là WeWork.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn với Quỹ Vision vào tháng 3 năm ngoái, khi thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng bán tháo mạnh, gây tổn hại đến cả SoftBank. Theo đó, quỹ này đã kéo sụt SoftBank và chứng kiến khoản lỗ kỷ lục.

Dẫu vậy, trong vài tháng qua, sự hồi phục mạnh mẽ của tâm lý nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao đã giúp các thành phần trong danh mục đầu tư của Quỹ Vision hưởng lợi. Nhóm có diễn biến tích cực nhất trong các khoản đầu tư của Quỹ Vision là giao đồ ăn, thương mại điện tử, khoa học đời sống và các nền tảng bán ô tô trực tuyến. 

Từng là tâm điểm chỉ trích của nhà đầu tư, Quỹ Vision của Masayoshi Son đã hồi phục ngoạn mục với khoản lãi 5 tỷ USD như thế nào? - Ảnh 1.

Cổ phiếu SoftBank hồi phục kể từ tháng 3 năm ngoái.

Cùng với động thái bán bớt cổ phần trong Uber, Quỹ Vision cũng bán cổ phần trong công ty phần mềm OSIsoft – vốn được mua lại với giá 5 tỷ USD, và trả khoảng 18 tỷ USD cổ tức cho nhà đầu tư vào cuối năm ngoái, theo Financial Times. Con số này cao hơn so với mức 13,4 tỷ USD trong quý trước.

Một cổ đông lớn của SoftBank cho biết: "Những sự kiện trước đây có nguyên nhân là do SoftBank đã có những khoản đầu tư thất bại và gặp mâu thuẫn nội bộ. Họ đã nỗ lực giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát và giờ đây nhận thức về các công ty mà họ đầu tư đã thay đổi rất nhiều."

Một yếu tố quan trọng khác đối với sự hồi phục của Quỹ Vision là sự sôi động của TTCK Mỹ đối với những đợt IPO. Trong đó, khoản đầu tư 680 triệu USD của SoftBank và DoorDash hiện đã có trị giá 11 tỷ USD sau khi công ty này niêm yết vào tháng 12. Trong cùng tháng, startup bất động sản trực tuyến Opendoor cũng nhận được 450 triệu USD từ Quỹ Vision và "lên sàn" sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập trị giá 4,8 tỷ USD với một SPAC do cựu giám đốc Facebook - Chamath Palihapitiya, điều hành.

Ngoài ra, 20% cổ phần trong Auto1 – công ty bán ô tô của Đức, cũng tăng gấp 3 lần giá trị khoản đầu tư 460 triệu USD, sau khi công ty này niêm yết hôm thứ Năm tuần trước và đạt vốn hóa hơn 11 tỷ USD. Khoản đầu tư 300 triệu USD vào nhà phát triển thuốc điều trị ung thư Relay Therapeutics hiện cũng có trị giá 1,4 tỷ USD sau khi công ty này IPO vào mùa hè năm ngoái.

Từng là tâm điểm chỉ trích của nhà đầu tư, Quỹ Vision của Masayoshi Son đã hồi phục ngoạn mục với khoản lãi 5 tỷ USD như thế nào? - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu các startup mà Quỹ Vision đặt cược kể từ khi IPO.

Trong khi đó, một số đợt IPO khác cũng đang chuẩn bị được thực hiện, bao gồm tập đoàn thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang và công ty môi giới bất động sản Mỹ Compass. Ứng dụng gọi xe của Trung Quốc – Didi Chuxing, đang đàm phán với các ngân hàng để sớm niêm yết vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ các khoản đầu tư của Quỹ Vision đều được hưởng lợi từ sự hồi phục này. Những khoản đầu tư gặp khó khăn của Vision bao gồm: startup cho thuê khách sạn của Ấn Độ Oyo, startup xây dựng của Mỹ Katerra, công ty chuyên về chuỗi cung ứng tài chính của Anh Greensill Capital.

Hiện tại, các nhà đầu tư và nhà sáng lập startup ở Thung lũng Silicon vẫn khá cảnh giác với Quỹ Vision và tầm ảnh hưởng của công ty này đối với các doanh nghiệp phát triển nhanh. Cách tiếp cận của SoftBank đã khuyến khích các đổi thủ huy động vốn và các doanh nghiệp trẻ ghi nhận số vốn lớn. Đây là chiến lược mang lại thành quả trái chiều.

Tập đoàn Nhật Bản cũng khiến một số người ở Thung lũng Silicon thất vọng, sau khi rút khỏi một loạt các thỏa thuận được đề xuất để huy động vốn cho Quỹ Vision II. Quỹ này hiện vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư bên ngoài và chỉ đầu tư bằng vốn của SoftBank. Dẫu vậy, một số nhà sáng lập vẫn coi SoftBank là một trong số ít nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược lớn vào các công ty công nghệ còn non trẻ.

Cuối cùng, sự xáo trộn trong nội bộ của Quỹ Vision vẫn đang diễn ra, vốn được đánh dấu bởi một loạt sự kiện như sự ra đi của các giám đốc điều hành và năm ngoái 15% trong số 500 nhân viên bị sa thải. Hơn nữa, dù Quỹ Vision dự kiến sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan vào quý trước, các nhà đầu tư vẫn chưa lạc quan.

Nhà phân tích Mitsunobu Tsuruo của Citigroup cho biết, cả nhà đầu tư và SoftBank đều biết rằng giá cổ phiếu hiện tại tăng cao là nhờ lãi suất thấp và thanh khoản cao trên thị trường. Theo ông, khi Fed bắt đầu loại bỏ hoặc giảm bớt quy mô hỗ trợ thị trường, TTCK cùng cổ phiếu công nghệ có thể "rẽ" theo hướng khác.

Tham khảo Financial Times

Lục Lam
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.