Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên - VQG Hoàng Liên: Phát triển bền vững đa dạng sinh học
Là "ngôi nhà" chung của hệ sinh thái động, thực vật, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để cứu hộ, bảo tồn và phát triển được nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực Tây Bắc.
Duy trì những định hướng phát triển của năm 2022, ngay từ đầu quý 1/2023, công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển thực vật tại Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp tục được chú trọng.
Ông Lã Văn Tới (bên phải) - Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, Lào Cai tiếp nhận động vật hoang dã về cứu hộ
Cụ thể, về công tác bảo tồn và công tác mô hình, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên duy trì chăm sóc cho cây cứu hộ, bảo tồn tại các vườn ươm tưới nước, nhổ cỏ theo dõi sinh trưởng của cây; hoàn thiện hồ sơ cho cây Hà thủ ô và cây Tục đoạn; chăm sóc phun tưới 8.000 cây hà thủ ô tại vườn và 1.600 cây Tục đoạn; chăm sóc cây thuộc hai mô hình bẩy lá một hoa và Sâm vũ diệp.
Về công tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển động thực vật, trong quý I, Trung tâm đã tiếp nhận 2 vụ thực vật, gồm: 1 cây Đỗ quyên hoa vàng từ hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa và 39 cây Mẫu đơn (Trang sơn) từ hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn và 8 vụ động vật với 14 cá thể thuộc 5 loài, gồm: 2 cá thể Khỉ mốc, 1 Diều hâu đen, 2 cá thể Mèo rừng, 7 cá thể Rùa đầu to, 2 cá thể Gà tiền mặt vàng.
Công tác chăm sóc động vật cũng được triển khai định kỳ như: Thực hiện tốt công tác chăm sóc toàn bộ các loài động vật tại Trung tâm; Vệ sinh định kỳ toàn bộ khu vực chuồng trại, phát cỏ quanh các khu chuồng nuôi (phun thuốc tiêu độc, khử trùng định kỳ 1 lần/tuần); vệ sinh toàn bộ khu vực làm việc; sửa chữa chuồng trại thường xuyên; theo dõi sát sao sức khỏe của những loài động vật cứu hộ và bảo tồn…
Ông Lã Văn Tới - Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết, ngoài những công tác cứu hộ và bảo tồn theo đúng chuyên môn, Trung tâm cũng tiếp tục phối hợp với Đoàn công tác của Tổ chức Động vật châu Á hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho nhân viên và nâng cao phúc lợi cho động vật như phun thuốc diệt ve, bọ ở một số dãy chuồng nuôi động vật; căng lại bạt chuồng gấu tạm; thực hiện vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi Rùa kết hợp với vệ sinh các loài Rùa ở Trung tâm để di chuyển Rùa từ khu chống đông ra ngoài; di chuyển 4 cá thể khỉ Mốc vào chuồng huấn luyện khỉ mới và 2 cá thể Gấu sang khu chuồng gấu mới. làm giàu môi trường sống cho động vật và chế tạo nội thất cho chuồng huấn luyện Khỉ.
Tính đến giữa tháng 3/2023, tổng số loài thực vật trong Trung tâm là 4.609 cây thuộc 110 loài, trong đó: 87 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP (chiếm 82,86%) và 4 loài trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP (chiếm 3,81%); Về số lượng: 182 cây cứu hộ và bảo tồn; 3.771 cây thu thập bảo tồn từ năm 2016 đến 2021; 656 giò, chậu lan thuộc 72 loài. Tổng số động vật trong Trung tâm là 114 cá thể thuộc 33 loài: (gồm 24/33 loài chiếm 72,72% tổng số loài, và 86/114 cá thể chiếm 75,44% tổng số cá thể, thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Nhìn chung, trong quý I, Trung tâm cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và tiếp tục đẩy mạnh công tác cứu hộ, bảo tồn, chăm sóc và phát triển động, thực vật trong thời gian tới, đặc biệt là những loài động thực vật quý hiếm, góp phần phát triển đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực Tây Bắc.
Việt DũngThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.