Tướng Phạm Tuân - người ủng hộ dự án "bay vào vũ trụ" của bầu Thuỵ: Cuộc đời thành phi công là 90% may mắn

Doanh nghiệp - Doanh nhân
08:02 PM 08/01/2022

Là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ, đến nay khi đã 74 tuổi, tướng Phạm Tuân vẫn dõi theo những tin tức về chinh phục vũ trụ và cảm xúc chuyến bay ngày nào vẫn vẹn nguyên.

Thông tin bầu Thuỵ muốn xây dựng cảng hàng không vũ trụ du lịch của Thaispace không chỉ khiến dư luận quan tâm mà còn nhận được sự ủng hộ từ Tướng Phạm Tuân.

"Tôi biết các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực kinh tế rất nhiều nhưng để có ý tưởng đột phá và tập hợp được đội ngũ có thể triển khai dự án thế này không phải dễ", Trung tướng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Phạm Tuân chia sẻ trong cuộc gặp gỡ Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thaiholdings và Ban trù bị dự án Thaispace vừa mới diễn ra.

Trung tướng còn khẳng định sẽ luôn đồng hành và giải đáp những thắc mắc trong tầm hiểu biết của mình trong quá trình triển khai dự án.

Việc bầu Thuỵ và ban trù bị dự án Thaispace đến gặp gỡ Tướng Phạm Tuân cũng dễ hiểu bởi ông là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ.

Tướng Phạm Tuân - người ủng hộ dự án bay vào vũ trụ của bầu Thuỵ: Cuộc đời thành phi công là 90% may mắn - Ảnh 1.
Tướng Phạm Tuân (Ảnh: Vietnamnet)

Trung tướng Phạm Tuân sinh năm 1947, ở đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1965, ông lên đường nhập ngũ và chính ông là người xin được gia nhập binh chủng không quân.

Thời trẻ, ông từng đi khám để làm phi công, nhưng không trúng tuyển vì mắt kém, cùng với đó ông bị loạn nhịp tim. Phạm Tuân sau đó đi học thợ máy. Tuy nhiên, khát khao với bầu trời, với máy bay vẫn chưa bao giờ tắt.

"Nhưng tháng 11/1965, tôi sang Liên Xô đang mùa lá vàng rơi, đi trên đường gặp rất nhiều phi công người Việt, trên mình mặc trang phục rất nhiều túi, xúng xính trong cặp da rất đẹp. Tôi khi ấy ngưỡng mộ họ ghê gớm lắm. Tôi thầm ước giá như chỉ được ngồi trên máy bay một lần thôi rồi xuống cũng được, không cần trở thành phi công", Trung tướng Phạm Tuân kể lại tại chương trình Quán thanh xuân.

Sau đó, vì nhiều lý do, mà trong đó có việc phi công trong nước gửi sang Liên Xô học trượt nhiều, nên cơ hội đến với các thợ máy. Rất may mắn, ông lại được chọn và phía Liên Xô cho ông đi lái máy bay. Ông bắt đầu bay với loại máy bay với tốc độ chỉ hơn 100km/giờ, sau rồi dần dần bay lên đến Mic.

Tướng Phạm Tuân - người ủng hộ dự án bay vào vũ trụ của bầu Thuỵ: Cuộc đời thành phi công là 90% may mắn - Ảnh 2.

Tới năm 1972, ông được chọn là một trong số những phi công đào tạo để lái máy bay tiêm kích bay đêm. Chuyến bay đêm đầu tiên ông xuất kích diễn ra ngày 18/12/1972 và tới đêm ngày 27/12/1972 trong một trận chiến ông đã bắn rơi 1 chiếc máy bay B-52 của địch, sau đó được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen thưởng ngay sáng hôm sau.

Tới ngày 03/09/1973 ông được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi đang giữ quân hàm thượng úy và là biên đội trưởng thuộc đại đội 5 của trung đoàn không quân Sao Đỏ.

Đến năm 1978 - 1979, Liên Xô muốn mời Việt Nam tham gia vào chương trình vũ trụ quốc tế Intercosmos. Theo lời kể của Tướng Phạm Tuân, các phi công Việt Nam được tham gia rất nhiều, tuyển chọn trong 6 - 7 tháng. Người được chọn phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sự hiểu biết, nhận thức về vũ trụ, phù hợp với tiêu chuẩn của chương trình.

Trải qua nhiều vòng, bên Liên Xô yêu cầu ta gửi sang 4 người nhưng tuyển ở Việt Nam chỉ có 3. Thế là mọi người bảo ông vào luôn cho đủ… đội hình. "Thế nên tôi trở thành phi công là ngẫu nhiên. Mình muốn làm phi công lắm nhưng không đủ tiêu chuẩn nên chẳng dám mơ. Nhưng mọi thứ cứ đến, đến thì làm được. Cuộc đời tôi thành phi công là 90% may mắn, còn lại là ở bản thân mình. Song may mắn luôn đến với mọi người, nhưng ai tận dụng được cơ hội và sự may mắn để khai thác, làm chủ được nó thì mới thực hiện được. Không thể nói may mắn rồi để đấy và nó trôi qua", Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ.

Sau gần một tháng khám tuyển ở BV Trung ương quân đội Moskva, Hội đồng khoa học quốc gia cho gọi 4 người đến để công bố.

"Tôi được gọi vào đầu tiên và cảm giác lúc đó giống như thi hoa hậu. Không ngờ vừa vào thì trưởng đoàn và tất cả thành viên của Hội đồng bắt tay chúc mừng và tôi cùng anh Bùi Thanh Liêm được chọn.

Sau đó chúng tôi luyện tập ở trung tâm vũ trụ khoảng 16 tháng. Tôi chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay 3 ngày. Ngày 21/7/1980, Hội đồng công bố quyết định ai sẽ là người bay chính thức. Tôi cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko được xướng tên bay cùng nhau. Hàng loạt công việc phải chuẩn bị, từ việc kiểm tra những công việc cần làm trên vũ trụ, sắp xếp thứ tự các hành động", ông nhớ lại.

Tướng Phạm Tuân - người ủng hộ dự án bay vào vũ trụ của bầu Thuỵ: Cuộc đời thành phi công là 90% may mắn - Ảnh 3.

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko. Ảnh: Tư liệu

Đúng 1h33 ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội) tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô) tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorbatko và Phạm Tuân điều khiển đã phóng lên vũ trụ. Khi cờ Tổ quốc Việt Nam được mang lên cũng là thời điểm đất nước chính thức có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.

Cũng trong năm 1980 khi đang mang quân hàm trung tá, Phạm Tuân được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động và huân chương Hồ Chí Minh. Cùng năm đó, ông còn được nhà nước Liên Xô trao tặng huân chương Lenin và danh hiệu anh hùng Liên Xô.

Tới năm 1982, Anh hùng Phạm Tuân hoàn thành khóa học tại trường không quân Gagarin. Sau đó, ông được phân công giữ chức Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng không quân vào năm 1989. Năm 1999, ông giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và mang quân hàm trung tướng.

Anh hùng Phạm Tuân tiếp tục được bầu giữ chức chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần đội. Đến 2008, ông nghỉ hưu.

Giờ đây, khi đã sang tuổi 74, ông vẫn dõi theo những tin tức về chinh phục vũ trụ và cảm xúc chuyến bay ngày nào vẫn vẹn nguyên.

PV
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.