Tuyển dụng mạnh tay, một ngân hàng tư nhân vươn lên đứng thứ 2 về quy mô nhân sự toàn ngành, chỉ sau BIDV
Nhân sự của 1 ngân hàng tư nhân tăng thêm hơn 4.600 người trong 1 năm qua, đưa tổng nhân sự vượt qua cả VietinBank lẫn Vietcombank.
Số liệu chúng tôi thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng trong hệ thống cho thấy, Top 10 ngân hàng có nhiều nhân sự nhất tính đến thời điểm cuối năm 2021 bao gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, MB, HDBank, Techcombank, ACB và LienVietPostBank.
Nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục có quy mô nhân sự vượt trội hơn so với toàn ngành. BIDV vẫn là quán quân về nhân sự với tổng cộng ngân hàng hợp nhất có 27.223 người, tăng 471 người trong năm qua. Vietcombank tăng thêm 1.609 nhân sự, tương đương mức tăng 8,02% lên 21.671 người. VietinBank trong khi đó tăng 674 người tương đương 2,75% lên 25.154 nhân sự.
Mặc dù nhân sự của VietinBank và Vietcombank đông đảo nhưng năm qua, với sự mạnh tay tuyển dụng tới 4.632 nhân sự, VPBank (hợp nhất) đã nâng tổng cán bộ nhân viên lên 25.623 người, tương đương tăng 22% so với năm trước. Với con số này, VPBank đã vượt lên thứ 2 trong hệ thống, sau BIDV, về nhân sự, đồng thời dẫn đầu về mức tăng trưởng nhân sự toàn ngành.
Ở nhóm các ngân hàng tư nhân còn lại, một số nhà băng ghi nhận lượng nhân sự cũng tăng tương đối mạnh năm qua, điển hình là NamA bank ( 8,91%); MBBank ( 7,12%); LienVietPostBank ( 7,07%).
Ngược lại, một số ngân hàng cũng chứng kiến sự co hẹp về quy mô nhân sự. Trong đó, Eximbank là ngân hàng báo giảm nhân sự nhiều nhất, giảm 7,55% so với đầu năm 2020. Năm 2020, nhà băng này cũng sụt giảm 720 nhân sự, như vậy tình hình cán bộ công nhân viên ở Eximbank đã giảm trong 2 năm liên tiếp. Hai ngân hàng khác cũng cắt giảm nhân sự trong năm bao gồm Sacombank và SHB, đều giảm nhẹ 0,9% so với năm 2020.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các BCTC
Nhìn chung năm qua nhiều ngân hàng đã gia tăng lực lượng lao động thông qua các đợt tuyển dụng với quy mô trên toàn hệ thống. Ngoài ra, việc các nhà băng tiếp tục tập trung đầu tư các hệ thống nền tảng theo hướng bán lẻ cũng như đẩy mạnh số hóa nên đã phát sinh nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều vị trí như chuyên viên quan hệ khách hàng ưu tiên, chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, công nghệ thông tin...
Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng nhà nước, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tình hình lao động, việc làm của các tổ chức tài chính trong năm 2021 vẫn giữ ổn định, 90% các tổ chức tuyển thêm hoặc giữ nguyên lao động.
Theo dự báo của Navigos Group, mặc dù số lượng tuyển dụng quý 4/2021 của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng giảm so với 2 quý trước đó, nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ tiếp tục tăng cao nhằm phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022. "Một số ngân hàng và công ty chứng khoán cũng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới", Navigos Group nhận định.
Năm 2022, nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20-30% dựa trên kỳ vọng phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, các mảng kinh doanh chính của nhiều ngân hàng như mảng bán lẻ, cho vay khách hàng các nhân, cho vay bất động sản… sẽ có sự khởi sắc trở lại. Với kế hoạch đó, dự báo tình hình lao động, việc làm sẽ diễn biến tích cực hơn.
Phương LinhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.