"Tuyến phố ATTP có kiểm soát": Giữ gìn tinh hoa ẩm thực Hà thành
Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại, giúp giữ gìn tinh hoa ẩm thực Hà thành.
Thức ăn đường phố gắn liền với thói quen sinh hoạt ăn uống của người dân Thủ đô. Ở bất cứ con phố nào cũng có thể thấy quầy bán thức ăn với nhiều món ăn bình dân, trong đó có những món đã có tên trong bản đồ ẩm thực thế giới như phở, bánh mì kẹp, nem rán, bún chả...
Đây là nét đẹp ẩm thực độc đáo của Hà thành cần phải giữ gìn. Tuy nhiên, do đặc thù nơi bày bán, an toàn vệ sinh thực phẩm thường khó đảm bảo.
Để tăng cường quản lý thức ăn đường phố đồng thời cũng bảo tồn nét văn hoá ẩm thực Hà thành, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thức ăn đường phố.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2018, thành phố Hà Nội đưa vào triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 8 quận, huyện gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Đan Phượng với sự tham gia của gần 400 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Đến nay, sau gần 6 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện và có tới 873 cơ sở kinh doanh tham gia.
Nhìn chung “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm đối với người bán hàng.
Đa phần chủ các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cũng đã tự trang bị các vật dụng như găng tay, dụng cụ gắp thức ăn để đảm bảo vệ sinh. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở cung ứng thực phẩm này phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Ngoài ra, nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cũng được nâng cao. Theo đó, vì sức khỏe cộng đồng, nhiều hộ kinh doanh ký cam kết không sử dụng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Để tiếp tục nâng cao ý thức của cộng đồng, mỗi năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban, ngành trên địa bàn tổ chức tọa đàm, hội nghị tập huấn cho mạng lưới hội các cấp; tổ chức hàng trăm hội nghị, tập huấn cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người tiêu dùng.
Với quyết tâm nói không với thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn, mỗi năm, thành phố cố gắng tiếp tục xây dựng thêm nhiều tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Khi Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố như vậy sẽ không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn góp phần giữ gìn tinh hoa ẩm thực Hà thành và hình thành nét văn minh mới trong thời đại mới.
An MaiKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.