Tuyên Quang: Hiệu quả mô hình giao khoán bảo vệ rừng ở huyện Lâm Bình
Lâm Bình là huyện có nhiều cái " nhất" của tỉnh Tuyên Quang, xa nhất, dân cư thưa nhất, khó khăn nhất... Song, sau 10 năm từ khi thành lập đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Bình đã và đang từng bước thoát nghèo, đánh thức các tiềm năng kinh tế sẵn có.
Với đặc thù địa bàn vùng núi, huyện Lâm Bình có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả được đánh giá là bền vững đó là "Giao khoán bảo vệ kết hợp sản xuất dưới tán rừng".
Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình, cho biết "Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, việc đảm bảo sinh kế cho người dân tại khu vực có rừng tự nhiên là vấn đề then chốt. Bởi nếu cuộc sống của người dân được đảm bảo, chính họ là những người giữ rừng tốt nhất. Xuất phát từ quan điểm đúng đắn đó, UBND huyện Lâm Bình đã xây dựng mô hình "Giao khoán bảo vệ kết hợp với sản xuất dưới tán rừng".
Việc giao khoán đã gắn trách nhiệm của các hộ dân với công tác quản lý bảo vệ rừng. Họ chính là tai, mắt của lực lượng kiểm lâm. Mọi diễn biến trên diện tích rừng giao khoán được người dân thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng. Chính vì vậy, huyện Lâm Bình vẫn giữ được màu xanh bất tận của những cánh rừng tự nhiên.
Theo mô hình sản xuất đó, mỗi hộ dân được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng và được phép chăn nuôi trong phạm vi giao khoán. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, các hộ dân được nhận giao khoán đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, ví như nuôi cá lồng, nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Tùng (ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm) nhận khoán bảo vệ 59ha rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hiện tại ông Tùng nuôi 40 lồng cá các loại, trong đó có những loại cá đặc sản như cá Lăng đen, Lăng chấm cho giá trị kinh tế cao. Trung bình một năm ông Tùng thu hoạch từ 50 – 60 tấn cá, giá trị trên 2 tỷ đồng.
Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình đã thực hiện phương án khoán bảo vệ rừng lưu vực hồ thuỷ điện Tuyên Quang cho 45 hộ được 1.626,95 ha. Khoán bảo vệ rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước (theo văn bản số 822/UBND-NLN ngày 31/3/2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng năm 2021): Tổng diện tích giao khoán 1.198,29 ha/109 tổ chức, cá nhân tại 8 xã trên địa bàn huyện (13 thôn/631,30 ha và 96 hộ gia đình/ 566,99 ha).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị tuần tra được 362 lần/1.208 người tham gia, đã phát hiện, lập hồ sơ và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm trong địa hạt quản lý 4 vụ việc (giảm một vụ so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020). Có thể thấy số vụ vi phạm xâm hại rừng tại huyện Lâm Bình liên tục giảm qua từng năm. Rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ có tai mắt của người dân. Đúng như nhận định của Giám đốc Nguyễn Hữu Tình, khi cuộc sống của người dân tại khu vực có rừng được đảm bảo thì chính họ là những người giữ rừng tốt nhất.
Phát triển tăng gia sản xuất dưới tán rừng kết hợp giao khoán bảo vệ là cách làm sáng tạo mà Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều năm qua. Và đó cũng là câu trả lời vì sao Lâm Bình còn giữ được rừng tự nhiên lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.