Tuyên Quang hướng tới mục tiêu hình mẫu về phát triển lâm nghiệp
Là một trong những tỉnh top đầu cả nước về độ che phủ rừng với tỷ lệ che phủ trên 65%, để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã thực hiện rất nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc, từng bước xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.
Được đánh giá là “thủ phủ” rừng trồng chế biến gỗ, là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư, ngành lâm nghiệp Tuyên Quang đóng vai trò là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp, đi liền với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn tỉnh trồng được 55.958,56 ha rừng tập trung. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, khai thác hợp lý quỹ rừng trồng, đảm bảo duy trì ổn định diện tích có rừng và tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%, nằm trong top đầu cả nước. Sản lượng khai thác gỗ đạt 4,2 triệu m3, từ năm 2016 đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 35.843 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Cũng trong giai đoạn này, diện tích rừng đặc dụng tăng thêm 142 ha, giảm diện tích rừng bị thiệt hại do các nguyên nhân 70,76 ha, bình quân/năm giảm 14 ha so với giai đoạn 2011-2015; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh đến cơ sở, các tổ, đội bảo vệ rừng; các phương án phòng cháy chữa cháy rừng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm so với giai đoạn 2011-2015; tổng số vụ vi phạm chặt phá rừng trong giai đoạn cũng giảm 1.673 vụ, bình quân mỗi năm giảm 335 vụ; tổng diện tích rừng bị thiệt hại giảm 70,57 ha, so với năm 2015.
Đồng thời nhận thức, hiểu biết và chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng bền vững của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; không ngừng phát triển sản xuất, đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng được cải thiện…
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, với cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học, hiệu quả, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đang đi theo đúng quỹ đạo và dần khẳng định vị trí đứng đầu toàn quốc trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Để đạt được những thành quả đó, ngay từ đầu Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã xây dựng và tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, xác định phát triển lâm nghiệp bền vững phải bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng của Trung ương, của tỉnh.
Nói về phương hướng phát triển trong giai đoạn mới 2021-2025, Phó Giám đốc Sở cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng mục tiêu cụ thể là bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với phát triển du lịch sinh thái; trồng cây dược liệu dưới tán rừng để tăng năng suất và giá trị rừng trồng; tập trung phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp, trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp. Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đồng thời là trung tâm chế biến gỗ lớn và là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước.
Đặc biệt tỉnh phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân trên 9%/năm, chiếm trên 20% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, duy trì độ che phủ rừng đạt trên 60%.
Hiện nay với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đang khuyến khích thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, hoàn thành sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Cùng đó, khai thác tối đa giá trị từ rừng thông qua việc phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu, dịch vụ môi trường rừng; khai thác hiệu quả rừng cho phát triển du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Từ những tiềm năng và thế mạnh về lâm nghiệp hiện có, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sự chung sức, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển lâm nghiệp, chắc chắn Tuyên Quang sẽ tiếp tục giữ vững vị trí là tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái mà mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang "là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước".
Trung KiênBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.