Tuyên Quang: Phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Với gần 500 di tích lịch sử, gắn với những địa danh nổi tiếng, Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện 4 năm qua đã góp phần thổi "làn gió mới" vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống Nhân dân.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua khi Tuyên Quang áp dụng mô hình phát triển du lịch gắn với quảng bá, tiêu thu các sản phẩm OCOP đã tạo tiền đề cơ bản để Tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh Chương trình này theo hướng gắn phát triển sản phẩm OCOP với khai thác du lịch nông thôn là mục tiêu kép của tỉnh đã và đang được triển khai quyết liệt với kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới góp phần thúc đây phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giúp du khách đến với Tuyên Quang có thêm những trải nghiệm thú vị hơn khi đến với Tuyên Quang.
Triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch địa phương
Trở về từ Tuyên Quang sau chuyến du lịch với bạn bè, chị Nguyễn Thanh Thủy ở Linh Đàm (Hà Nội) mua theo rất nhiều sản vật địa phương để tặng người thân trong gia đình, nào là chè Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá; trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá; thịt chua lợn đen Duy Vượng… Chị nói: "đây là những sản phẩm uy tín của tỉnh, được bày bán ở các điểm trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh nên rất yên tâm về chất lượng. Chị Thủy có lẽ chỉ là một trong hơn hai triệu khách du lịch đến với Tuyên Quang trong năm 2022 cùng góp phần đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh lan tỏa đến mọi miền đất nước".
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại hình du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 2020 – 2025) tiếp tục xác định du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để thu hút khách du lịch, Tuyên Quang ngoài duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có đã xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch mạo hiểm - bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, du lịch trải nghiệm trong rừng Na Hang; "bơi mảng - hát Then trên hồ Nà Nưa" tại Tân Trào, Sơn Dương; đầu tư điểm check in tại các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình; phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như Lễ hội hoa lê, Mùa vàng Hồng Thái, hoa cải vàng…
Để phục vụ khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng các sản phẩm thế mạnh của địa phương, các huyện, thị trong tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch… nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 08 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với 128 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 33 sản phẩm xếp hạng 04 sao; 95 sản phẩm xếp hạng 03 sao. Các sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm có 113 sản phẩm; ngành đồ uống có cồn có 08 sản phẩm; ngành thảo dược có 03 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí có 01 sản phẩm; ngành dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch có 03 sản phẩm. Hiện có 3 sản phẩm là Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang; Bưởi Soi Hà được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022 đã có tổng số các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng trên 40 sản phẩm. Hiện nay, các chủ thể đã hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng sản phẩm theo bộ tiêu trí (trong đó có 03 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 05 sao: Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đăng ký tham gia 02 sản phẩm: Chè xanh Ngọc Thuý nõn và Trà Ngọc Thuý; Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đăng ký tham gia 01 sản phẩm: Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá).
Một số sản phẩm đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn, doanh thu và lợi nhuận tăng lên, như: Dịch vụ du lịch cộng đồng homestay tại huyện Lâm Bình; Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, rượu ngô Na Hang; bánh gai Chiêm Hoá, thịt trâu Hùng Mỹ, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá; chè Tân Thái Dương 168, chè xanh Làng Bát (huyện Hàm Yên); chè Xanh Ngọc Thuý, trà Ngọc Thuý, bưởi đường Xuân Vân, bưởi đường đặc sản Phúc Ninh, thịt trâu Khô Tiến Thành (huyện Yên Sơn); dầu lạc Trường Thịnh, trà Long Đài, trà cà gai leo Hợp Hoà; chè xanh Trung Long (huyện Sơn Dương); mật ong hương rừng, cá lăng, mì khô Thuật Yến (thành phố Tuyên Quang)…
Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp, Chương trình OCOP còn tập trung phát triển về dịch vụ du lịch nông thôn. Tiêu biểu tại huyện Lâm Bình, có 3 xã Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm chọn homestay làm sản phẩm OCOP. Bao gồm: Homestay Mai Tụy, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can; Homesay Tài Ngào, xã Thượng Lâm.
Cùng với việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, từ thế mạnh của các địa phương, Tỉnh đã xây dựng một số tour du lịch về loại hình du lịch nông nghiệp gồm: Du lịch cộng đồng homestay kết hợp tham quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang kèm theo trải nghiệm các hoạt động bắt cá, làm bún khô xã Đà Vị; trải nghiệm du lịch Hồng Thái (Na Hang), ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan tuyết, thu hoạch dâu tây; tham quan các nhà vườn trồng cam sành, thanh long tại huyện Hàm Yên; trải nghiệm hái và chế biến chè tại làng nghề Chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào...
Thực tế thời gian qua ở Tuyên Quang cho thấy, phát triển du lịch gắn với quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP là hướng đi đúng và rất quan trọng. Đây vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương và thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Các sản phẩm OCOP làm tăng sức hút cho các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kéo dài thời gian trải nghiệm, gia tăng mức chi tiêu, mua sắm của du khách.
Cần sự chung sức đồng lòng để du lịch và OCOP hỗ trợ nhau phát triển
Theo bà Âu Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, năm 2023, tỉnh phấn đấu đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch ước đạt 3.000 tỷ đồng và Tuyên Quang sẽ tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch như đăng cai Chương trình Du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" tại tỉnh năm 2023 gắn với Lễ hội thành Tuyên..; tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch...
Đây là cơ hội rất lớn để quảng bá về du lịch và các sản phẩm OCOP của tỉnh, là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: "Đến nay toàn huyện có 16 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm của tỉnh đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao; về sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn có 11 sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm của huyện đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng, có xuất bán thường xuyên ra thị trường như: Chè Shan tuyết Khau Mút, Thổ Bình, cá đặc sản, rượu ngô, rươu thóc men lá Lâm Bình, lạc vỏ, lạc nhân... Hiện nay, huyện có nhiều điểm du lịch ấn tượng, đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình với diện tích hơn 40.000ha nằm ở 14 xã, thuộc thị trấn Na Hang và Lâm Bình với cảnh quan sơn thủy hữu tình. Những điểm dừng chân như: Thăm Đền Pắc Tạ, hồ thủy điện Tuyên Quang, ngắm cảnh núi Pắc Tạ (Na Hang), tắm thác Khuổi Nhi, thác Mơ, chiêm ngưỡng Cọc Vài (Lâm Bình)…đặc biệt là vẻ đẹp sinh thái nơi lòng hồ Na Hang được ví như Hạ Long trên cạn chắc chắn sẽ làm say đắm du khách khi đến với miền sơn cước gắn với nhiều huyền thoại này, đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút khách du lịch. Đây cũng chính là cơ hội lớn để huyện phát triển các sản phẩm OCOP, trở thành món quà độc đáo, riêng có của địa phương dành cho khách du lịch trong và ngoài nước…"
Để thúc đẩy phát triển du lịch cũng như tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm OCOP, theo ông Nguyễn Thành Trung, thời gian tới, Lâm Bình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; tăng cường quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển sản phẩm du lịch của địa phương đa dạng, độc đáo, nghiên cứu mô hình tổng hợp nông, lâm nghiệp thủy sản gắn với du lịch...
Nói về việc phát triển du lịch và xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Đoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: "Đến nay toàn huyện có 28 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm của tỉnh đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 01 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Một số sản phẩm của huyện Na Hang đã có thương hiệu, được khách du lịch rất ưa chuộng như: Chè Shan tuyết Na Hang, cá sạch Na Hang, bún khô Đà Vị, gạo nếp Khẩu Láng Thượng Nông.. Năm 2022, huyện thu hút 229.000 lượt khách, doanh thu đạt 225 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Từ kết quả đạt được, năm 2023, Na Hang tập trung nghiên cứu mô hình tổng hợp nông, lâm nghiệp thủy sản gắn với du lịch; thực hiện xây dựng Đề án triển khai xây dựng và thực hiện thí điểm các tour, tuyến du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm trong rừng trên địa bàn huyện..."
Tỉnh đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 230 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Đặc biệt, trong giai đoạn 2022 – 2025, việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi càng được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các nghành nghề dịch vụ. Đồng thời, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra, trong những năm tiếp theo, Tỉnh Tuyên Quang sẽ chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản; sản phẩm truyền thống, chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các "điểm đến" về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa tạo ấn tượng với khách du lịch.
Phương LoanTuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng.