Tuyên Quang: Ứng dụng KHCN trong công tác PCCCR giai đoạn 2015-2020
Những năm gần đây, sự biến đổi cực đoan của thời tiết đã khiến nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp. Nhiều diện tích rừng ở khu vực miền núi phía Bắc đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao, có nơi được xác định ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, việc thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cũng như ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong công tác PCCCR đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với PCCCR
Tại Tuyên Quang, để chủ động PCCCR, các ban ngành chức năng của tỉnh đã quán triệt các cấp phải thực hiện nghiêm những quy định của Luật Lâm nghiệp cũng như Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhận định Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017) là một Chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ và PCCCR, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND các cấp thành lập và kiện toàn các Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Các Ban chỉ đạo đều xây dựng các kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác PCCCR rất chặt chẽ.
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Tuyên Quang với 23 thành viên; đồng thời xây dựng Quy chế hoạt động của Ban. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra các huyện, thành phố và cơ sở về công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
UBND cấp huyện, thành phố trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững với 210 thành viên do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các Phòng, Ban cấp huyện và lãnh đạo UBND cấp xã. UBND cấp cơ sở tại 137/137 xã, phường thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp đã thành lập Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR do lãnh đạo UBND cấp xã làm Trưởng ban, thành viên là các ban, ngành của xã, trưởng các thôn, bản, kiểm lâm phụ trách địa bàn.
Đối với các chủ rừng là tổ chức, đã thành lập Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR do lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, đội trưởng các đội trồng rừng; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban. Đối với tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, đã thành lập được 1.650 tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR cấp thôn, bản với 16.100 người tham gia; thành phần gồm Trưởng thôn làm tổ trưởng, các thành viên là đoàn thanh niên, nhân dân.
Với phương châm coi bảo vệ rừng và PCCCR là "nhiệm vụ sống còn" trong hoạt động của mình, các Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Tuyên Quang đã và đang tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Đồng thời, quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCCR...
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong PCCCR
Việc ứng dụng KHCN vào công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Tuyên Quang đã góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có, đảm bảo độ che phủ của rừng; tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng, các ngành, địa phương và cộng đồng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, PCCCR; mọi vụ cháy khi phát hiện đều được chữa cháy kịp thời, giảm thiệt hại tối đa về kinh tế do cháy rừng gây ra.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã duy trì, vận hành phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phần mềm phát hiện sớm điểm nghi cháy rừng; tổ chức trực chữa cháy rừng 24/24 giờ tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm trong các ngày nắng nóng hạn hán kéo dài; chỉ đạo các hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, xác minh ngay các điểm nghi cháy rừng do phần mềm phát hiện sớm điểm nghi cháy phát hiện. Năm 2020 các hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, xác minh được 249 điểm nghi cháy rừng do phần mềm phát hiện sớm điểm nghi cháy thông quan ảnh vệ tinh đã phát hiện.
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả PCCCR
Để công tác PCCCR thực sự có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp đã yêu cầu các lực lượng chức năng duy trì chế độ thường trực 24/24 nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện địa điểm cháy kịp thời.
Chủ tịch UBND và Ban Chỉ đạo cấp huyện trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn về PCCCR. Lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng được yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt các khu rừng trọng điểm dễ cháy ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn. Lực lượng canh phòng thường trực tại các vùng rừng trọng điểm cháy bảo đảm trực 12/24 giờ trong ngày, các giờ cao điểm (từ 9h đến 21h), phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động, thông tin kịp thời khi có cháy rừng xảy ra để Ban Chỉ đạo cùng cấp huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, không cho lửa lan tràn rộng.
Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp xã, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm tăng cường đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; ra thông báo cấm dùng lửa để xử lý thực bì trồng rừng. Lực lượng trực PCCCR đã phải trực 10/24 giờ trong ngày (từ 10h đến 20h hàng ngày), đặc biệt chú trọng các giờ cao điểm. Các chủ rừng đã thường xuyên kiểm tra công tác trực PCCCR và các hoạt động có thể gây ra cháy rừng trong địa bàn được giao quản lý, nhất là đối với những vùng rừng trọng điểm dễ cháy, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, với các cây như: thông, bạch đàn, keo, tre, nứa và các loại rừng dễ cháy khác...
Thời gian qua, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, chỉ đạo các cấp chính quyền, các đơn vị, tổ chức và vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR tại địa bàn cơ sở. Các chủ rừng đã ban hành được các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về PCCCR của đơn vị; đã xây dựng phương án PCCCR thuộc lâm phần được giao quản lý. Ban hành quyết định thành lập các tổ đội PCCCR tại các đơn vị trực thuộc. Xây dựng được các văn bản chỉ đạo chuyên đề trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR; xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc truy quét các trọng điểm về phá rừng, khai thác trái phép lâm sản rừng trồng và cháy rừng...
Ngoài ra, lực lượng Công an trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương các cấp trong công tác PCCCR; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng, nhất là các vụ việc có dấu hiệu hình sự, cố ý đốt rừng, khẩn trương tập trung, quyết liệt điều tra, xác minh đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh, lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương tham gia công tác PCCCR; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra…
Tất cả các đơn vị đều thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ: "Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ" để chủ động và sẵn sàng ứng cứu, kịp thời khống chế, tổ chức chữa cháy rừng khi xảy ra và nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra. Vì thế, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã không để xảy ra bất kỳ vụ cháy rừng nào.
Với sự chủ động của các ngành chức năng; chủ rừng cùng sự quyết tâm cao và những giải pháp hiệu quả của các lực lượng tham gia bảo vệ rừng và người dân sinh sống dưới tán rừng, mùa khô năm nay diện tích rừng ở Tuyên Quang sẽ được bảo vệ hiệu quả.
Giá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h hôm nay (12/9) sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.