Tuyển sinh Đại học năm 2022: Nhiều điều chỉnh trong đề án tuyển sinh

Giáo dục
05:59 PM 13/12/2021

Hiện nhiều trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2022, không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, xu hướng chung các trường đều tăng chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mở rộng các kỳ thi riêng để tăng tính tự chủ trong tuyển sinh.

Mở rộng các kỳ thi riêng

Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là nhiều trường đại học mở rộng phương thức tuyển sinh, tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh. Nhiều đơn vị đã thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2022 như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tuyển sinh Đại học năm 2022: Nhiều điều chỉnh trong đề án tuyển sinh - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 cần chuẩn bị cho mình các phương án thi và xét tuyển phù hợp. (Ảnh minh họa)

Các trường đã có kỳ thi riêng ở những năm trước là: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Sư phạm TPHCM...

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thông báo sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT vào tháng 5.2022.

Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến năm tới tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 7-8 đợt trong năm cho thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng.

Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho biết, tính đến nay đã có 30 trường ĐH chính thức đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển năm 2022. Trung tâm sẽ kết hợp với nhiều trường ĐH trong cả nước tổ chức kỳ thi trên diện rộng với nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đà Nẵng và TPHCM. Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi năm 2022 sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Cùng với việc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, cơ cấu chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Theo đó, các trường top đầu có xu hướng giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.

Tuyển sinh Đại học năm 2022: Nhiều điều chỉnh trong đề án tuyển sinh - Ảnh 2.

Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Theo đó, nhà trường đưa ra 3 phương án tuyển sinh và có sự thay đổi về chỉ tiêu của từng phương án. Cụ thể:

Trường dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; 60 – 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

PGS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải - cũng cho hay, nhà trường sẽ duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm ngoái gồm: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%).

Ngoài ra năm nay, trường còn sử dụng thêm kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức để tuyển 20-30% tổng chỉ tiêu. So với năm ngoái, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.

Đâu là phương án tối ưu?

Hai năm qua cho thấy, việc tuyển sinh ĐH dựa trên điểm thi tốt nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập bởi hai kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH có tính chất, mục tiêu khác nhau. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho tất cả các thí sinh có tính chất đại trà theo chuẩn đầu ra cấp học để lấy bằng tốt nghiệp. Còn kỳ thi tuyển sinh ĐH chiếm khoảng 30% học sinh THPT hàng năm, đề thi có độ phân hóa cao, độ khó cao hơn nhiều so với thi tốt nghiệp.

Theo TS Toán học Lê Thống Nhất, năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp có độ phân hóa và độ khó thấp, nên thí sinh xuất sắc cũng chỉ đạt điểm 10 là tối đa và thí sinh ở mức khá cũng có thể đạt điểm 10. Điều đó dẫn tới điểm tuyển sinh ĐH bị đẩy lên quá cao, không thực chất.

Mặc dù việc tổ chức 1 kì thi tốt nghiệp để làm căn cứ tuyển sinh ĐH về hình thức bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, lại tiết kiệm kinh phí cho người dân và các trường ĐH nhưng do những bất cập nói trên dẫn đến thước đo không chính xác. Do đó, nhiều trường phải tổ chức các kì thi bổ sung, như bài thi kiểm tra năng lực, thi ngoại ngữ, xét học bạ... càng thêm rắc rối, tốn kém. Nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực, thay vào đó là hình thức xét tốt nghiệp, giao việc tuyển sinh ĐH về cho các trường như trước đây.

Phương án thứ 2 là thành lập một số trung tâm khảo thí quốc gia và vùng, độc lập với các trường ĐH, có nhiệm vụ tổ chức thi, đánh giá năng lực học sinh tốt nghiệp THPT để các trường ĐH làm căn cứ tuyển sinh. Các kì thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm, tạo thuận lợi cho thí sinh. Các em có thể thi một lần để lấy kết quả thi cho nhiều trường ĐH.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn