Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với "giặc" Covid-19

Sự kiện
10:24 PM 21/04/2020

Bằng những biện pháp quyết liệt và đúng đắn, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 khi trong đó có 4 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới nào. Đó là cơ sở để xem xét việc giảm mức giãn cách xã hội, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta có bất kỳ sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nào nếu không có thể phải trả giá rất đắt với “giặc” Covid-19.

    Kiểm soát tốt dịch Covid-19 là cơ sở để dần khôi phục sản xuất kinh doanh song tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh 

    Cần xem xét việc “chung sống an toàn”

    Cho dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dịch bệnh đang được kiểm soát tại nước ta. Tính tới hết ngày 20-4, cả nước ta mới ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có tới 207 ca bệnh đã được điều trị khỏi/ra viện, chiếm tỷ lệ tới 77%, và đặc biệt chưa có trường hợp nào tử vong khiến Việt Nam là một trong 3 quốc gia có trên 200 người mắc Covid-19 mà không có trường hợp nào tử vong.

    Nếu nhìn vào biểu đồ 268 trường hợp mắc Covid-19 tại nước ta từ khi bước sang giai đoạn 2 từ ngày 7-3 (ngày công bố bệnh nhân số 17, ca bệnh đầu tiên tại nước ta sau 3 tuần không có ca mắc Covid-19) tới nay, số ca mắc sau khi lên mức trên dưới 10 trường hợp mỗi ngày (ngày 22-3 là ngày có tổng số ca mắc Covid-19 cao nhất là 19 trường hợp) từ 8-3 đến 3-4 đã giảm mạnh xuống chỉ còn dưới 5 ca mỗi ngày. Trong đó 4 ngày qua, từ ngày 17-4 đến nay đã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới nào tại nước ta.

    Để có thể kiểm soát được một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, chúng ta đã áp dụng các biện pháp đúng đắn, mạnh mẽ và quyết liệt, trong đó “bức tường thành” vững chắc ngăn chặn dịch bệnh là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly xã hội, chúng ta cũng phải hy sinh những lợi ích của cả nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống mưu sinh của hàng triệu người lao động.

    Việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là cơ sở để chúng ta xem xét từng bước giảm dần việc giãn cách xã hội, để dần khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm “chung sống an toàn” trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu cao nhất là phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào chiều 20-4 để nghe báo cáo tình hình và tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Hà Nội và TP.HCM đã đề xuất đến ngày 22-4, nếu không có ca mới và các ổ dịch tiếp tục kiểm soát được thì Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội, các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. 

    Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, hiện Hà Nội đã cách ly, khoanh vùng ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội); tiến hành xét nghiệm 12.673 người ở xã Mê Linh cũng như 1.793 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh (nơi bệnh nhân 243 liên quan) đều cho kết quả âm tính; tình hình tương tự tại ổ dịch ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Cũng trong 2 ngày qua, Hà Nội đã lấy 1.064 mẫu là các trường hợp tiểu thương kinh doanh tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn TP và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính. 

    Từ đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát tốt; nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng đã giảm dần. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất, đến ngày 22-4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát được Hà Nội thì Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội ở Thủ đô; các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

    Trong cuộc họp ngày 20-4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 khi tập trung thảo luận một số nội dung chính: Khám chữa bệnh an toàn; đi học an toàn, đi lại an toàn; sản xuất, kinh doanh an toàn; du lịch an toàn… đã có các ý kiến cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. 

    Không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 20-4 đã cho rằng, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, khả khả năng lây nhiễm của dịch bệnh vẫn còn cao, vì thế tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả. Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, song Thủ tướng yêu cầu, “không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn”.

    Đúng là chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới không để dịch bệnh lây lan diện rộng cho dù đã ghi nhận những ca bệnh có dịch tễ rất phức tạp, đi lại nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên, nguyên tắc phòng chống dịch được tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện xuyên suốt đã giúp khoanh vùng, cách ly, dập những ổ dịch nguy hiểm ở Sơn Lôi, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi…

    Song nếu nhìn ra thế giới, chúng ta thấy rằng tuyệt đối không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với thứ “giặc” truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19. Trên thế giới đã có những quốc gia có lúc tưởng chừng đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, song lại để dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ với những ca mắc mới liên tục gia tăng.

    Nhìn nhận về tình hình dịch Covid-19 tại nước ta khi mà nhiều ngày qua cả nước không có thêm ca bệnh mới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng đây là tín hiệu khả quan nhưng người dân không chủ quan vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. 

    Theo vị chuyên gia hàng đầu về dịch tế của nước ta hiện nay, để đánh giá bao nhiêu ngày không có thêm ca bệnh nhằm khẳng định dịch Covid-19 đã được đẩy lùi hay chưa là rất khó bởi không thể biết được trong cộng đồng với hàng triệu người có người mang mầm bệnh hay không? Bởi theo ông, nếu các ổ dịch Covid-19 chỉ cần 28 ngày không có ca mắc mới thì có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, với cả nước thì hiện chưa nói được điều gì nên người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế.

     Theo ANTĐ

    Ý kiến của bạn