TX Sơn Tây: Tổ chức Hội thi Bánh tẻ truyền thống Làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025

Địa phương
08:52 AM 21/02/2025

Được sự quan tâm đầu tư, khuyến khích của Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Hội thi Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025 sẽ được UBND phường Phú Thịnh tổ chức vào sáng 1/3/2025 (thứ Bảy) tại sân khấu Phố đi bộ thị xã Sơn Tây.

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh. Bánh tẻ vốn là loại bánh đã gắn bó với bà con nông dân từ rất lâu đời, vì nguyên liệu làm bánh chính là bột gạo tẻ, thứ lúa gạo mà người dân trồng được tại địa phương. Bánh tẻ thường được bán ở các chợ quê, là món ăn dân dã để thưởng thức hàng ngày. Vào các ngày lễ, Tết thì bánh tẻ được các hộ gia đình làm nhiều hơn để thành tâm thắp hương nhớ về tổ tiên của gia đình mình.

TX Sơn Tây: Tổ chức Hội thi Bánh tẻ truyền thống Làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025- Ảnh 1.

Hội thi Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi lần thứ 2 năm 2025 sẽ được tổ chức vào ngày 1/3/2025

Chiếc bánh tẻ Phú Nhi xưa gắn với nhiều giai thoại được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trải qua bao giai đoạn và phát triển. Nói đến làng nghề truyền thống của đất hai vua, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng món bánh tự tay họ làm làm quà tặng, quà biếu người thân, người xa xứ như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về hương vị truyền thống.

Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đây cũng là làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Đó chính là niềm tự hào của người dân quê khi đã gìn giữ và phát triển đặc sản của quê hương thành sản phẩm làng nghề bán được trên thị trường. Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu "Bánh tẻ Phú Nhi". Đó là một triển vọng và cơ hội để những người dân trong làng có thể tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. 

Tại nhiều cuộc thi ở Hội chợ các sản phẩm làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội, bánh tẻ Phú Nhi cũng đã được trao tặng Huy chương vàng. Điều này khẳng định nét đẹp văn hóa và thế mạnh của nghề làm bánh tẻ nơi đây.

Hiện trong làng có đến 100 hộ chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 2.000 chiếc mỗi ngày. Bánh tẻ Phú Nhi được làm hàng ngày, các hộ dân trong làng đã năng động mở rộng thị trường phân phối bánh tẻ đến khắp Hà Nội, tham gia các lễ hội ẩm thực của Thủ đô. Ngoài ra, bánh tẻ còn được bán online cho khách hàng khắp nơi, bánh tẻ cũng là món quà quê tại các điểm du lịch của Đường Lâm như chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và..

Để làm ra những chiếc bánh tẻ dẻo ngon, chân chất như tấm lòng của người nông dân làng Phú Nhi, các hộ gia đình làm bánh thường bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng. Công đoạn đầu tiên là ngâm gạo sau đến xay bột, làm nhân bánh, rửa lá rồi gói bánh. Bánh tẻ có nhân hành, mộc nhĩ và một ít thịt nạc thường được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Bánh được luộc và ăn trong ngày là ngon nhất.

Để làm được chiếc bánh tẻ ngon đúng vị của Phú Nhi đòi hỏi một quy trình cầu kỳ kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến cách thức chế biến làm nhân gói và hấp tháng qua bàn tay khéo léo của người thợ những thứ tương hương vị ấy hòa quyện trong chiếc bánh nhỏ ngắn buộc gọn gàng được lưu giữ ở lớp lá xanh bên trong lá chuối khô ở bên ngoài hương vị khác biệt gia vị cùng với sự thơm ngon đã làm nên thương hiệu của chiếc bánh tẻ Phú Nhi. Tuy nhiên, bánh tẻ là đồ ăn được làm thủ công nên thời gian sử dụng chỉ dùng được trong ngày hoặc 2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh. Muốn đưa bánh tẻ đến tay nhiều thực khách hơn cần tìm ra cách thức để khắc phục được hạn chế này.

Hội thi Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi gồm 10 đội thi tham gia, trải qua 3 phần thi gồm: Lời chào hội thi, Khéo tay làm bánh và Bánh đẹp - bánh ngon. Đặc biệt, trong hội thi năm nay, một mâm bánh khổng lồ sẽ được dâng hương tại đình Phú Nhi và diễu hành ra phố đi bộ. 

Đồng chí Trương Quang Vinh - Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết: “Hội thi được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống; nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất bánh tẻ trong làng và là dịp quảng bá sản phầm bánh tẻ truyền thống từng bước đưa sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường”.

HT
Ý kiến của bạn