Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2%
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).
Thông tin tại Hội nghị với các Bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Ước 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).
Về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông vận tải (30,97%). Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (30,56%), 2 Bộ còn lại có số giải ngân rất ít, Bộ Tài nguyên và môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và đào tạo (5,26%).
Kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các Bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các Bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.
Bộ Tài chính chỉ ra 3 nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm.
Thứ nhất, dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; Chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; Mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, Hợp đồng ủy quyền cho vay lại; Vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và Chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng.
Thứ hai, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.
Thứ ba, vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án ô. Các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý.
Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.
Thứ tư, trong những tháng đầu năm, các Bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ KHV 2022. Số giải ngân kế hoạch vốn 2022 đạt 1.655 tỷ đồng, gần 50% số giải ngân theo kế hoạch vốn 2023 cùng thời kỳ.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Đối với các cơ quan chủ quản phải rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.
Các cơ quan chủ quản cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án, xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời cần sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án.
"Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các Bộ ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2023", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.