Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 43%
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) đến nay đạt 43%.
Theo thống kê, với khối bộ, ngành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình đạt 59,68%. Một số bộ, ngành đạt 100% như các Bộ: Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên còn một số bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình đạt 50%; trong đó, Bộ Công Thương đạt tỷ lệ cao nhất 79,94%; Bộ Ngoại giao (có 1 dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhưng không phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn trình); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (không có dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với những thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ).
Ở khối tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trung bình đạt 55,38%. Một số địa phương triển khai rất tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình như Đà Nẵng (95,56%). Còn nhiều địa phương triển khai hạn chế, với 28/63 tỉnh mới chỉ triển khai dưới 50% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ thấp nhất 24,2%).
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của khối tỉnh còn rất hạn chế, mới đạt 17%. Có địa phương đạt khá (như TP. Đà Nẵng khoảng 64,94%) nhưng cũng có địa phương triển khai còn hạn chế (như Lạng Sơn chỉ khoảng 11,67%).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với hiện trạng triển khai nêu trên, nguy cơ đến năm 2025 Việt Nam khó đạt được các mục tiêu về dịch vụ công trực tuyến đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Để khắc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc với dịch vụ công trực tuyến, đối với các bộ ngành cần chủ động, thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính đối với các dịch vụ mà bộ, ngành chưa triển khai.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Đây là lần đầu tiên, sau 19 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với 2 nội dung: Đánh giá trực tuyến, không có sự can thiệp của con người; đánh giá Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.