Tỷ lệ nợ xấu có thể đạt gần 8% vào cuối năm 2021
Lãnh đạo NHNN cho hay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Tuy nhiên, đây là kết quả được dự báo trước và NHNN đã lên kịch bản xử lý trong thời gian tới.
Về vấn đề nợ xấu, tại phiên thẩm tra về kinh tế - xã hội do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, nhờ việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42, cùng với quyết tâm chính trị của cả hệ thống, nợ xấu đã được xử lý tương đối mạnh trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và sang đến năm 2020 là 3,81%.
Theo Phó Thống đốc NHNN, nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, COVID-19 gây ảnh hưởng trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới.
“Chúng tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế đồng thời phải có các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe của toàn hệ thống”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Để tránh một “cú sốc” nợ xấu trong những năm tới, hiện các ngân hàng đang nỗ lực tăng “bộ đệm” dự phòng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng tăng trong nửa đầu năm nay đang ở mức khá cao. Như tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 352%, tăng đến 98% so với cùng kỳ và cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành. Techcombank, MB và ACB cũng đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao, lần lượt là 259%, 237% và 208% đến cuối tháng 6/2021…
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dồi dào nguồn lợi nhuận, do đó, nhiều nhà băng vẫn gặp khó khăn trong trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức “khiêm tốn”. Có thể kể đến: PGBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến hết tháng 6/2021 mới chỉ đạt 33% hay Viet Capital Bank chỉ đạt 45%...
Để kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.
Việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ cơ cấu lại như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các Đề án và kế hoạch cơ cấu lại của ngành và lĩnh vực, như tại Đề án cơ cấu lại các TCTD.
An Mai (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.