Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại xuống thấp nhất 10 năm
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết áp lực rút vốn của khối ngoại tiếp tục đè nặng lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI Research về diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu trong tháng 1 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục động thái thận trọng tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Theo số liệu SSI Research, các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) đã có tháng thứ 15 liên tiếp rút ròng, với tổng giá trị 616 tỷ đồng trong tháng 1/2025. Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại như VanEck (-423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (-88 tỷ đồng) và Fubon (-58 tỷ đồng).
Các quỹ ETF nội có sự phân hóa: DCVFM VN30 bị rút ròng 122 tỷ đồng trong 3 tháng liên tiếp, trong khi DCVFM VNDiamond và MAFM VN30 ghi nhận dòng vốn mua ròng tích cực, lần lượt là 54 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Đối với dòng tiền chủ động, các quỹ đầu tư chỉ tập trung vào Việt Nam đã rút ròng 804 tỷ đồng trong tháng 1.
Thống kê từ năm 2023 tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam lên gần 128.400 tỷ đồng. Tỷ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường như Việt Nam. Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn.
Song song đó, thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá mới, chất lượng. Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới rất ít, doanh nghiệp quy mô lớn lại càng hiếm hoi.
Theo SSI Research, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ chịu nhiều tác động trái chiều. Những yếu tố như kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), áp lực tỷ giá và chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump có thể hạn chế dòng vốn.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, điều này có thể giúp hạn chế việc rút ròng. Ngoài ra, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell và triển khai các chính sách như hệ thống giao dịch KRX, Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường vốn trong trung và dài hạn.
Báo cáo của SSI phân tích, điều này phù hợp với xu thế quốc tế. Hiện, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường các nước đang phát triển ghi nhận tiếp tục rút ròng 1,1 tỷ USD. Đáng chú ý, nhà đầu tư rút hơn 1,5 tỷ USD ra khỏi thị trường Ấn Độ, mức này cao nhất kể từ tháng 3/2020. Do, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nước này sẽ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Cùng với đó, dòng tiền duy trì trạng thái yếu ở các quốc gia khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên với những lo ngại các chính sách thuế quan và dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất. Riêng, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận đà mua ròng với những kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ.
Minh An (t/h)
Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.