Tỷ lệ trái phiếu chậm trả trong tháng 7 ở mức cao

Tài chính - Đầu tư
08:47 AM 18/07/2024

Vis Ratings công bố báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ trái phiếu chậm trả trong tháng 7 vẫn sẽ ở mức cao.

Theo báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Vis Ratings, trong tháng 6/2024, hai trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận với tổng giá trị TPDN lưu hành là 2.160 tỷ đồng. 

Tỷ lệ trái phiếu chậm trả trong tháng 7 ở mức cao- Ảnh 1.

Trong đó, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận chậm trả nợ gốc trị giá 2.080 tỷ đồng nghìn. Công ty hiện đang sở hữu dự án điện mặt trời Thiên Tân, mặc dù đã phát điện lên lưới, nhưng bị trễ thời hạn hưởng giá điện ưu đãi (FIT). Với khoản lỗ ghi nhận năm 2023 là 242 tỷ đồng, chuyên gia phân tích công ty này có khả năng trả nợ yếu.

Tính tới cuối tháng 6/2024, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường ở mức 15,6%, giảm so với mức 15,9% ở cuối tháng 5/2024.

Về cơ cấu nợ trái phiếu, vào tháng 6/2024, 8 tổ chức phát hành hoàn trả một phần nợ trái phiếu chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản dân cư, tổ chức tài chính khác và xây dựng. Tổng số tiền hoàn trả là 1,57 nghìn tỷ đồng, tương đương với 12% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của nhóm này.

Phần lớn giá trị hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong tháng 6/2024 là của 3 tổ chức phát hành thuộc nhóm Bất động sản dân cư là Sài Gòn Glory, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes và DCT Partners Việt Nam. Ba tổ chức phát hành này đã tích cực hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong nửa đầu năm 2024.

Tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu chậm trả toàn thị trường tăng 0,5% lên 18,1% trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi của nhóm ngành nng lượng giảm 1,8% xuống 17,6% so với cuối tháng 5/2024 do có trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới vào tháng 6/2024.

Từ đó, Vis Rating ước tính, trong tháng 7 sẽ có khoảng 60% trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có nguy không trả được nợ gốc đúng hạn, giá trị khoảng 5.400 tỷ đồng.

Trong đó, 5.200 trái phiếu rủi ro do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành như Novaland, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát và Kita Invest, và đều không trả lãi đúng hạn vào năm 2023.

Số trái phiếu có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ.

Dự báo trong 12 tháng, Vis Ratings cho biết, có khoảng 18% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành với tổng giá trị 207.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn.

Ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng; 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn