Tỷ lệ vốn rẻ CASA của 'ông lớn' MB, Vietcombank và loạt ngân hàng biến động mạnh
Vietcombank và MB là 2 ngân hàng đã quá quen thuộc khi nói đến việc có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn nhất trong hệ thống. Tuy nhiên, sau 3 quý của năm 2020, thế mạnh về CASA lại ghi nhận mức sụt giảm.
Ngoài lợi nhuận, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng là một chỉ số đáng quan tâm của các nhà băng khi cuộc đua này chưa bao giờ có hồi kết. CASA là nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng và được đánh giá là một trong những chỉ tiêu tài chính có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các nhà băng.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, tiền gửi không kì hạn sụt giảm mạnh ở phần lớn các ngân hàng kéo CASA giảm: MBBank giảm từ 33,9% xuống 29,8%; Techcombank từ 32,9% xuống 30,7%; Vietcombank từ 28,3% về 26,2%.
Đến cuối quý 2/2020, tiền gửi không kỳ hạn đã ghi nhận sự hồi phục rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ CASA của Vietcombank tăng trở lại lên 26,5%; tiền gửi không kì hạn của MBBank tăng 16,8% đưa tỷ lệ CASA tăng thêm từ 29,8% lên 32,6%.
Tại Techcombank, tiền gửi không kỳ hạn tăng 12,8% đưa tỷ lệ CASA tăng từ 30,7% lên 32,6%. Như vậy, kết thúc quý 2/2020, Techcombank và MB Bank cùng giữ vị trí quán quân về CASA.
Có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào sẽ giúp cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng và ngược lại. Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng chiếm được ưu thế này. Từ trước tới giờ, Techcombank, MBBank và Vietcombank vẫn đang là những ngân hàng có mức CASA cao dẫn đầu ngành và chi phí vốn bình quân thấp nhất trong ngành.
Kết thúc 9 tháng của năm 2020, các ngân hàng lần lượt công bố BCTC với kết quả kinh doanh trái chiều. Đáng chú ý, dù tiền gửi khách hàng tăng trưởng nhẹ nhưng tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng đã có sự sụt giảm.
Cụ thể, tại Eximbank, 9 tháng qua, tiền gửi của khách hàng giảm 8%, ghi nhận gần 127.844 tỷ đồng. Đồng thời tiền gửi không kỳ hạn cũng giảm 15% so với đầu năm, xuống còn 15.991 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ CASA giảm từ 13,5% hồi đầu năm xuống còn 12,5% vào cuối quý 3/2020.
Tại Saigonbank, 9 tháng năm 2020, dù tiền gửi của khách hàng tăng 13% so với đầu năm, đạt 17.743 tỷ đồng, nhưng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm xuống 36% so với đầu năm, ghi nhận gần 1.106 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của Saigonbank theo đó giảm mạnh từ 11,1% hồi đầu năm xuống chỉ còn 6,2% vào cuối tháng 9/2020.
Thậm chí, thành viên có thế mạnh về CASA là MB cũng ghi nhận giảm. 9 tháng năm 2020, tiền gửi của khách hàng có xu hướng giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận 269.189 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank giảm nhẹ 2% so với đầu năm, ghi nhận 90.177 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của MBBank theo đó cũng giảm nhẹ từ 33,9% hồi đầu năm xuống 33,5% vào cuối tháng 9/2020.
Ngoài lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm, tỷ lệ CASA tại một số ngân hàng đi xuống còn do tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn tăng lên và lấn át hơn trong tổng quy mô chung. Điều này củng cố tính bền vững cơ cấu nguồn nhưng lại đi ngược về chi phí huy động vốn.
Chẳng hạn tại "ông lớn" Vietcombank, 9 tháng năm 2020, tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ 8% so với đầu năm, đạt 981.492 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 681.829 tỷ đồng (cao nhất trong các loại tiền gửi của khách hàng), tăng 6% so với đầu năm. Trong khi tiền gửi không kỳ hạn chỉ đạt 274.387 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ ghi nhận gần 22.167 tỷ đồng và 3.108 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ CASA giảm nhẹ từ 28,3% hồi đầu năm xuống còn 28% vào cuối quý 3/2020.
Lý giải về tình trạng nay, các chuyên gia cho rằng, trước đây, lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, do có được nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn, đặc biệt là có nguồn tiền gửi thanh toán lớn của Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2019, nguồn tiền ngân sách này đã được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo quy định mới khiến các "ông lớn" hụt đi một lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn.
Trong khi đó, những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động tiền gửi không kỳ hạn để giải tỏa áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác và dần chiếm lĩnh vị trí đầu bảng về tỷ lệ CASA.
Hà PhươngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.