Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: VIC đang rất thấp so với giá trị thật
Theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, giá cổ phiếu VIC của Vingroup hiện đang thấp hơn nhiều so với giá trị thật. Tuy nhiên, ông tin tưởng cùng thời gian, cổ phiếu này sẽ trở lại đúng giá trị vốn có.
Tiền thân của Vingroup (VIC) là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, Công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup – Công ty CP.
Mới đây, ngày 17/5, VIC đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông 2023. Đại hội lần này nhận được đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước.
Theo thông tin từ đại hội, năm 2022, doanh thu thuần của Vingroup đạt 101.794 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 12.756 tỷ đồng và 2.044 nghìn tỷ đồng. Sau khi loại đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.278 tỷ đồng.
Trong năm 2023, công ty đưa ra mục tiêu doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng, tăng 87% so với năm ngoái. Nếu đạt được, đây sẽ là mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng.
Trong đại hội, cổ đông đã tỏ ra e ngại khi cổ phiếu VIC của Vingroup đã giảm hơn một nửa trong 2 năm qua. Đáp lại vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng cho hay: Giá trị của VIC rất thấp so với giá trị thật. Việc Vinfast IPO thì cổ đông của Vingroup không được ưu đãi gì, nhưng nếu là cổ đông trung thành thì sẽ không mất gì cả, anh chỉ mất khi anh bán, chưa bán thì chưa mất gì cả, theo thời gian, thị giá VIC sẽ trở lại".
Ông Vượng cũng nói thêm: "Có thể do tin đồn, thị trường chung khó khăn làm nhà đầu tư cảm thấy không vui và tháo chạy còn tôi không thấy lý do để bán cổ phiếu".
Trên thực tế, giá cổ phiếu của VIC đã giảm cực mạnh trong thời gian vừa qua. Tại thời kỳ cao điểm, cách đây khoảng 2 năm, cổ phiếu này vượt mốc 110.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện tại, cổ phiếu này nhiều tháng trời loanh quanh ở vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu.
Mã cổ phiếu này đã tăng trở lại cách đây khoảng 10 ngày. Tại thời điểm ngày 5/5, VIC chỉ ở mốc 50.700 đồng/cổ phiếu, thậm chí ngày 11/5, mã này cũng chỉ còn 50.500 đồng mỗi cổ phiếu.
Trong mấy ngày gần đây, VIC đã liên tục tăng giá. Đơn cử như tại ngày 12/5, VIC tăng 1.200 đồng/cổ phiếu và tăng thêm 2.700 đồng/cổ phiếu vào ngày sau đó. Trong ngày VIC tiến hành đại hội cổ đông, có những thời điểm VIC lên giá ở mức 53.800 đồng/cổ phiếu nhưng chốt phiên, cổ phiếu này lại dừng ở 53.200 đồng.
Sáng nay, VIC lại ghi nhận 1 phiên tăng giá. Tại thời điểm 10h sáng nay, 18/5, VIC giao dịch ở mức 53.600 đồng/cổ phiếu, tăng 400 đồng (0,75%) so với phiên trước đó. Khối lượng giao dịch là 367.400 cổ phiếu.
Liên quan đến kế hoạch kinh doanh khác, năm 2023, Vingroup dự kiến phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu) chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ với lãi suất tối đa 15%/năm, kỳ hạn từ 12-60 tháng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến được sử dụng để đầu tư các chương trình, dự án bất động sản và/hoặc tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh của tập đoàn.
Nhật HàĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.