Tỷ trọng ngành dịch vụ TP.HCM đóng góp hơn 60% tổng GRDP
Trong hơn 10 năm qua, ngành dịch vụ TP.HCM luôn có tỷ trọng đóng góp cao trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn. Chỉ tính riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu TP.HCM, trong năm 2023 chiếm 59,6% trong GRDP, chiếm 90% trong khu vực dịch vụ.
Con số trên được ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra tại hội thảo tham vấn ý kiến lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ của TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 25/7.
Ông Dũng nhận định, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định ngành dịch vụ là ngành có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế thành phố. Với đóng góp quan trọng đó cho thấy, ngành dịch vụ của thành phố có những bước tiến đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm. TP.HCM nhờ đó ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất cả nước.
Ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao là các ngành đảm bảo các nhóm tiêu chí: đóng góp cao vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; có tốc độ tăng trưởng cao; sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi hàm lượng tri thức cao, trình độ lao động kỹ thuật cao.
Các ngành đáp ứng theo xu hướng phát triển như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; việc phát triển ngành dịch vụ phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của địa phương...
TP.HCM đã đề ra nhiều chương trình thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ như: triển khai các đề án “Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TPHCM giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến năm 2040”; đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM...
Để hiện thực và cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31NQ/TW của Bộ Chính trị, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện và xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định nhiệm vụ “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là yêu cầu cấp thiết.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần định vị, xác định mục tiêu từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có được những nền tảng của các thành phố xếp hạng cao trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cần xác định trở thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu với các nhóm ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố gồm: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải, kho bãi; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Thông tin và truyền thông; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; Dịch vụ lưu trú và ăn uống
Đây là những ngành dịch vụ có dư địa tăng trưởng và tác động đến các ngành khác để có định hướng phát triển phù hợp. Góp phần phát triển thành phố trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.