Hà Nội giảm hơn 70% bếp than tổ ong
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố, đến nay Hà Nội đã giảm chỉ còn hơn 15.000 bếp.
Bà Lê Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.
Đun bếp than tổ ong được xác định là một trong 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí.
Cụ thể, vào tháng 1 năm 2017 Hà Nội có 56.670 bếp than tổ ong, đến nay còn 15.418 bếp. Kết quả cho thấy, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 người ở Hà Nội.
Trong số các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.
Trong khi đó, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn thành phố.
Việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.
Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, từ nay cho đến ngày 31/12, Thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
N. Hoa
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.