UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội

Địa phương
10:23 PM 09/03/2024

Sáng 8/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội, thảo luận về cơ chế đặc thù, cơ chế thí điểm cho Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 28/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch làm việc của Tổ tư vấn kinh tế - xã hội năm 2024.

Tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tổ tư vấn qua quá trình đi khảo sát tại các địa phương, Sở, ngành góp ý với lãnh đạo tỉnh về quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Với kinh nghiệm, trí tuệ của các thành viên Tổ tư vấn, tỉnh mong muốn nhận được sự tham gia góp ý cụ thể về cơ chế đặc thù, cơ chế thí điểm, các chính sách tỉnh Nghệ An đề xuất với Trung ương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.

UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quy hoạch xác định 2 khu vực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế Đông Nam và thành phố Vinh mở rộng, đề nghị Tổ tư vấn tham gia góp ý kiến vào 2 nội dung quan trọng này. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 hành lang kinh tế, 6 trung tâm đô thị, với nguồn lực của tỉnh hiện đang còn hạn chế, đề nghị các đồng chí tư vấn cho tỉnh nên tập trung nhiệm vụ nào trước. Đồng thời, tư vấn cơ chế để thực hiện mở rộng sân bay Vinh; cơ chế để xây dựng Nghệ An trở thành thủ phủ cây ăn quả, phát triển cây dược liệu gắn với chế biến sâu.

Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh bày tỏ phấn khởi trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An đạt được trong thời gian vừa qua nhất là kết quả thu hút đầu tư, công tác truyền thông; trong năm 2024 cần phát huy những kết quả này. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

Với việc triển khai Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tập trung triển khai xây dựng Khu kinh tế Nghệ An (Khu kinh tế Đông Nam) để thu hút đầu tư, kết nối với hệ thống cảng biển, hệ thống đường cao tốc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mới thì cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn phát triển. Nhanh chóng phê duyệt quy hoạch cụ thể đối với Khu kinh tế Đông Nam. Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế kiểu mới.

UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu

Việc quy hoạch thành phố Vinh mở rộng cần quan tâm đến quy hoạch đô thị lịch sử tại khu vực Cổng thành, khu Quang Trung. Phát triển đô thị biển Cửa Lò, quy hoạch từ Cửa Hội, dọc Sông Lam đến Hưng Nguyên. Xác định bản sắc của thành phố Vinh nên là thành phố của sự kết nối, kết nối giữa tương lai và quá khứ, kết nối truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, phải xác định vị trí nào là trung tâm của thành phố Vinh sau khi mở rộng thành phố.

Sắp xếp xây dựng Đề án thành phố Vinh mở rộng tạo ra một vị thế mới cho tỉnh Nghệ An. Tăng tỷ lệ đô thị hóa của thành phố, là thành phố đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực quốc tế. Xây dựng Đại học Vinh trở thành đại học vùng. Xây dựng thành phố Vinh trở thành nơi hội tụ nguồn lực, hội tụ sức mạnh, xúc tiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Mở rộng sân bay Vinh.

Với định hướng xây dựng Nghệ An trở thành thủ phủ cây ăn quả, phát triển cây dược liệu, thành viên Tổ tư vấn cho rằng tỉnh Nghệ An có thể làm được. Nghệ An có đủ tiềm năng, lợi thế để làm điều này, tuy nhiên tỉnh cần rà soát để tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các cơ chế để phát triển diện tích trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn.

UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Đồng chí Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại , tổ trưởng Tổ tư vấn phát biểu tại cuộc làm việc

Cũng tại đây, các thành viên Tổ tư vấn cũng đã góp ý cụ thể đối với các cơ chế, chính sách tỉnh dự kiến đề xuất với Trung ương. Trong đó, đề nghị tỉnh đề xuất các dự án quan trọng để tạo ra sự đột phá; đề xuất thêm cơ chế phân cấp cho các Sở, ngành, địa phương. Đồng thời, các thành viên Tổ tư vấn đều thống nhất việc tỉnh nên dồn lực để tập trung phát triển 1 hành lang kinh tế, 1 trung tâm đô thị cụ thể để tạo ra động lực phát triển cho khu vực xung quanh.

Qua đó, UBND tỉnh thống nhất các nội dung phối hợp triển khai với Tổ tư vấn trong năm 2024 gồm 5 nhóm, 9 nội dung công việc gồm: Tổ tư vấn phối hợp với tỉnh hoàn thiện nội dung Nghị quyết bổ sung một số chính sách, cơ chế đặc thù để báo cáo Trung ương xem xét, quyết nghị; Triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó tập trung thực hiện Đề án mở rộng thành phố Vinh; mở rộng Khu kinh tế Đông Nam; lựa chọn ưu tiên trong 4 hành lang kinh tế và 6 trung tâm đô thị, trong đó ưu tiên phát triển miền Đông để hỗ trợ phát triển miền Tây.

Minh Tú
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.