Ukraine cấm xuất khẩu phân bón, nông dân toàn cầu khó khăn chồng chất khó khăn

Thế giới 24H
04:02 PM 14/03/2022

Ukraine, nhà sản xuất nông sản lớn trên toàn cầu, vừa quyết định cấm xuất khẩu phân bón do xung đột với Nga.

Bộ Nông nghiệp Ukraine hôm thứ Bảy (12/3) cho biết quốc gia này đã cấm xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp và đưa ra quy định cấp giấy phép cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, bao gồm lúa mì, ngô và dầu hướng dương.

"Nội các bộ trưởng đang áp dụng hạn ngạch 0 đối với việc xuất khẩu phân bón khoáng chất, trên thực tế là lệnh cấm đối với việc xuất khẩu phân bón từ Ukraine", Bộ này cho biết trong một tuyên bố, với lý do nhằm giúp "duy trì sự cân bằng trong thị trường nội địa" và đã áp dụng đối với các loại phân nitrogen (nitơ) phosphorus (phốt pho), potassium (kali) và các phân bón tổng hợp.

Ukraine theo truyền thống bắt đầu công việc gieo trồng vụ Xuân vào cuối tháng Hai hoặc vào tháng Ba. Nông dân nước này cho biết họ sẽ bắt đầu gieo sạ ở những khu vực an toàn ngay khi có thể.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, hôm thứ Sáu (11/3)cho biết đất nước của ông phải gieo trồng càng nhiều nông sản càng tốt trong mùa Xuân này, bất chấp cuộc xung đột với Nga.

Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp của nước này cho hay nông dân có khả năng giảm diện tích gieo hạt hạt hướng dương, hạt cải dầu và ngô trong năm nay, thay thế bằng ngũ cốc - kiều mạch, yến mạch và kê.

Trước cuộc xung đột với Nga, Ukraine, nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, dự kiến có thể xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 33 triệu tấn ngô và 23 triệu tấn lúa mì, trong niên vụ 2021/22 (từ tháng 7 đến tháng 6). Bộ Nông nghiệp cho biết Ukraine đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc các loại trong niên vụ 2021/22 tính đến ngày 23 tháng 2, một ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giá phân bón thế giới đồng loạt tăng

Giá phân bón thế giới bước sang năm 2022 tăng chậm lại, nhưng đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu phân bón. Việc Ukraine cấm xuất khẩu phân bón chắc chắn sẽ khiến thị trường ngành hàng này càng thêm căng thẳng.

Cụ thể, giá hầu hết các loại phân bón trên thị trường thế giới đều tăng từ đầu tháng 3/2022 so với tháng trước đó, với mức tăng trung bình 5%. Phân DAP hiện có giá khoảng 879 USD / tấn, MAP 937 USD / tấn, kali 815 USD / tấn, 10-34-0 837 USD / tấn, anhydrous 1.487 USD / tấn, UAN28 603 USD (giá cao nhất mọi thời đại) và UAN32 703 USD / tấn, urea 887 USD / tấn, tất cả đều tăng so với tuần trước và so với cùng kỳ tháng trước.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá MAP hiện đắt hơn 39%, DAP cao hơn 44%, 10-34-0 đắt hơn 50%, urea cao hơn 87%, kali đắt hơn 96%, UAN32 cao hơn 131%, UAN28 137% đắt hơn và anhydrous cao hơn 166%.

Ukraine cấm xuất khẩu phân bón, nông dân toàn cầu khó khăn chồng chất khó khăn - Ảnh 1.

Cập nhật giá phân bón thế giới (so sánh với tuần trước và một năm trước), ĐVT: USD/tấn

Thị trường phân bón thế giới vốn đã khan hiếm nguồn cung từ trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, do giá khí tự nhiên tăng mạnh, nguồn cung phân bón từ Trung Quốc giảm sút do chính sách hạn chế xuất khẩu, và các vấn đề về thời tiết làm giảm sản lượng của Mỹ, tất cả cùng lúc xảy ra vào năm 2021 khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng.

Ngay sau cuộc xung đột xảy ra ngày 24/02, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó (ngày 23/2).

Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.

Mặt khác, các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu đặc biệt là kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích trong ngành, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng rất lớn tới các nước sản xuất nông nghiệp lớn, như Brazil, và có nguy cơ gây khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Brazil đang tìm kiếm một nhà cung cấp phân bón mới khi cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ cắt đứt các nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cây trồng cho nước này. Mục tiêu trước mắt của họ là hướng đến Canada. Được biết, Brazil nhập khẩu khoảng 85% nhu cầu phân bón và khoảng 1/5 trong số đó là từ Nga. Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil cho biết nguồn dự trữ phân bón của họ đủ dùng cho đến tháng 10, song Hiệp hội Phân bón Quốc gia Brazil cảnh báo dự trữ phân bón trong nước sẽ chỉ tồn tại thêm ba tháng nữa.

Jefferson Souza, một nhà phân tích về mặt hàng phân bón thuộc Agrinvest Commodities, nói rằng: "Chúng tôi đang tận mắt chứng kiến ý nghĩa của việc phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Năng suất cây trồng không thể cao khi ngành sản xuất phân bón trong nước không phát triển".

Đối với thị trường Việt Nam, giá phân bón thế giới tăng đã tác động không nhỏ đến hoạt động canh tác của người nông dân.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu trên 5,1 triệu tấn phân bón. Hai tháng đầu năm 2022, khối lượng phân bón nhập khẩu lên tới 706.769 tấn. Trong đó, Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Năm 2021, nước ta nhập khẩu 320.045 tấn phân bón từ quốc gia này, trị giá 123,5 triệu USD (chiếm 7,74 % so với tổng giá trị phân bón nhập khẩu). Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là Kali 195.429 tấn, NPK 109.552 tấn, DAP 14.217 tấn. Hai tháng đầu năm nay, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga 73.801 tấn, trị giá 40,390 triệu USD, chiếm 10,44% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu.

Theo Cục BVTV, căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên toàn cầu, trong đó thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.

Hiện nay, giá phân bón trong nước đã tăng khoảng 20% và hiện ở mức cao nhất trong vòng 50 năm qua, với phân bón vô cơ từ 700 lên hơn 1 triệu đồng/bao. Ngành nông nghiệp trong nước đang chuyển hướng tăng tiêu thụ phân bón hữu cơ, nhưng quá trình này cũng gặp không ít khó khăn, khi chi phí vận chuyển xơ dừa, nguyên liệu được dùng làm giá thể trồng cây tại trang trại cũng tăng đột biến, lên đến gần 40 triệu đồng/container, tương đương đắt gần gấp đôi tiền mua xơ dừa.

Trước tình hình trên, việc sử dụng đa dạng các loại phân bón, tận dụng mọi chế phẩm cũng như những lợi thế có sẵn tại khu vực nông hộ là vô cùng quan trọng. Ngành Nông nghiệp cũng đã đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Tham khảo: Reuters, dtnpf

Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn
GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ GRDP Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ

Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.