Ứng dụng của Bộ Công an cập nhật thông tin đối tượng được hỗ trợ do COVID-19

Xã hội
10:46 AM 14/10/2021

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết đã cập nhật ứng dụng VNEID, để cho phép ứng dụng này liên thông với phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19.

Theo đó, ứng dụng VNEID có thể “đọc”, kiểm tra thông tin về đối tượng được nhận hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Đáng chú ý, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNEID kiểm tra xem mình có thuộc diện đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68 hay không. Đồng thời, cán bộ phường, xã sử dụng ứng dụng VNEID để đọc mã QR trên thẻ CCCD gắn chip điện tử để xác định công dân thuộc diện chính sách.

Ứng dụng của Bộ Công an cập nhật thông tin đối tượng được hỗ trợ do COVID-19 - Ảnh 1.

12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động được cập nhật trên ứng dụng VNEID

Theo C06 (Bộ Công an), với việc cập nhật thông tin vào ứng dụng VNEID đã rút ngắn các quy trình, khâu đoạn kiểm tra, xác minh đối tượng được hưởng chính sách, đồng thời loại bỏ các khả năng chi trả tiền hỗ trợ nhầm đối tượng. Đối với người dân cũng được nhiều lợi ích khi không phải đi lại nhiều lần để xác minh. Người dân có thể sử dụng mã QR trên thẻ CCCD gắn chip điện tử để được kiểm tra và xác nhận, nêu chưa có thì họ có thể khai báo ngay trên ứng dụng VNEID.

Sau khi Chính phủ triển khai Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng, Trung tâm Nghiên cứu dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06 đã xây dựng và đưa vào triển khai phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an cơ sở (trực tiếp là công an xã, phường, thị trấn, cảnh sát khu vực) chủ động phối hợp với UBND cấp xã nhanh chóng cập nhật danh sách thuộc diện đối tượng được hưởng chế độ theo quy định.

Việc này giúp cơ quan đảm bảo công dân không cần phải về nơi đăng ký thường trú xin xác nhận, hệ thống đã ghi nhận việc có thuộc đối tượng hay không, đã chi trả chưa, địa điểm chi trả tiền hỗ trợ và hình thức là nhận trực tiếp hay chuyển khoản theo quy định. Việc triển khai góp phần đơn giản thủ tục hành chính, việc chi trả đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, khách quan, minh bạch và tiết kiệm chi phí.

Đến nay, phần mềm này đã được triển khai trên 63/63 tỉnh, thành phố; cập nhập trên hệ thống thông tin của trên 1,2 triệu trường hợp thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó đã có hơn 1,1 triệu trường hợp được hỗ trợ).

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.