Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Diễn đàn
05:33 PM 30/01/2024

Chiều 30/1, Báo Xây dựng phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính". Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS).

Hội thảo với quy mô khoảng hơn 200 khách mời đến từ các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp; Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng, Ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp FDI, sản xuất năng lượng. Bên cạnh đó cũng có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu quốc tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn.

Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính- Ảnh 1.

Hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính" thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng khẳng định: Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C vào cuối thế kỷ này. 

Báo Xây dựng đã phối hợp với Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính" để cùng đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong việc ứng dụng khí sạch LNG vào nhà máy sản xuất điện, khu dân cư, xưởng sản xuất thực phẩm, nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu trong ngành Công nghiệp và xây dựng.

TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, hiện nay, thị trường sử dụng chủ yếu của khí thiên nhiên sẽ là những nhà máy sản xuất điện, nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy sản xuất điện LNG. Cạnh đó, LNG cũng sẽ được sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ... Hiện trên thế giới cũng đã hình thành nên những tuyến đường vận chuyển LNG từ nơi sản xuất cho đến nơi tiêu thụ. LNG phân bố trữ lượng không đồng đều, ví dụ trữ lượng nhiều như khu vực Trung Đông, Nga... bên cạnh đó có những nơi trữ lượng thấp như châu Âu.

LNG có thể được vận chuyển bằng đường biển (tàu) hoặc đường bộ (xe bồn, tank truck, xe lửa). LNG được vận chuyển bằng tàu khi khoảng cách vận chuyển tương đối xa, dung tích chứa phổ biến của tàu giao động từ 120.000 – 175.000m3, các tàu mới có dung tích lên đến 267.000m3, hiện có khoảng 300 tàu chở LNG đang hoạt động. LNG được vận chuyển bằng xe bồn/xe lửa khi khoảng cách vận chuyển gần, dung tích chứa của xe bồn xấp xỉ 6 – 20m3.

Ứng dụng của LNG bao gồm 5 ứng dụng chính, bao gồm: Dân dụng và thương mại như làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà; Trong giao thông vận tải sẽ làm nhiên liệu để thay thế cho DO & FO; Trong Công nghiệp làm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho sản xuất thép, xi măng, gốm... Điện khí/LNG sạch hơn ½ phát thải so với điện than truyền thống, là bước chuyển tiếp từ than sang năng lượng tái tạo; Trong hóa chất/hóa dầu: sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi...

Về nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; Công nghiệp; Sản xuất phân bón và hóa dầu.

Trong bối cảnh về chuyển dịch năng lượng, có 4 xu hướng phát triển của LNG: Thứ nhất là LNG quy mô nhỏ, thứ hai là LNG trung hòa carbon, thứ ba là đồng đốt trong nhà máy điện, thứ năm là hydrogen lam.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, Chính phủ và các cơ quan quản lý năng lượng tại Việt Nam cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của LNG đối với việc phát triển kinh tế trong nhiều năm tới. Theo quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG sẽ được đầu tư xây dựng liên tục trong giai đoạn 2025 - 2030. Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện sử dụng than đá trên toàn quốc đã không được xem xét phát triển và được yêu cầu thay thế bằng LNG thân thiện với môi trường.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.