Ứng Hòa chuyển mình từ xây dựng nông thôn mới, chung sức nâng cao chất lượng cuộc sống
Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Thay da đổi thịt, chung sức xây dựng hạ tầng
Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền huyện Ứng Hòa đã xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai xây dựng NTM theo đúng định hướng, mục tiêu đề ra. Cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2020, huyện Ứng Hòa đã có 28/28 xã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM.
Phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện Ứng Hòa đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu. Nhờ đó, địa phương đã gặt hái được "trái ngọt" khi TP. Hà Nội đã có Tờ trình số 12/TTr-UBND về việc đề nghị thẩm định, xét công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM năm 2020.
Giờ đây, khi về các xã của huyện Ứng Hòa như Hòa Nam, Hoa Sơn, Liên Bạt, Đông Lỗ… ai cũng thấy diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt với những tuyến đường khang trang, sạch đẹp. Trên thực tế, trong hơn 10 năm khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 6.189.959 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, TP hỗ trợ 3.813.354 triệu đồng; ngân sách huyện 1.131.788 triệu đồng, ngân sách xã 592.581 triệu đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa ngoài ngân sách là 1.651.236 triệu đồng.
Với sự tập trung nguồn lực của Nhà nước, xã hội hóa, nhiều đường giao thông nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đồng thời được bảo trì thường xuyên; nhiều cây cầu mới được xây dựng, tuyến đường kết nối giữa liên xã, liên huyện được quan tâm đầu tư...
Kết quả đến nay đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu với tổng chiều dài trên 40km và 98 điểm với tổng diện tích 3.750m2 diện tích tranh bích họa tuyên truyền về công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện… nguồn kinh phí thực hiện từ huy động xã hội hóa, ngày công tham gia thực hiện, chăm sóc của Nhân dân.
Đối với công tác chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường nông thôn, UBND huyện Ứng Hòa đã triển khai Cuộc thi "Giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp" được triển khai duy trì từ năm 2019 đến nay cùng thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi "Ứng Hòa chung sức xây dựng diện mạo nông thôn mới" năm 2022.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 trạm cấp nước sinh hoạt với tổng công suất thiết kế khoảng 7.780 m3/ngày đêm. Do đó, đến tháng 10/2021, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (kể cả hộ sử dụng hệ thống lọc nước RO) là 74,8%, tỷ lệ hộ được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 34%.
Đường làng ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố hóa đảm bảo đáp ứng yêu cầu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho giao thông nội đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; cải tạo, xây mới các công trình trường học, 79/90 trường học đã đạt chuẩn Quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo đời sống người dân
Không chỉ xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện Ứng Hoà còn nhân rộng những mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp, giải quyết nhiều "điểm nóng" ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp bằng việc thực hiện tốt phong trào "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp", "Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng". Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường NTM kiểu mẫu, "tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu và tranh bích họa.
Đơn cử, tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu có khoảng 800 hộ dân, trong đó 170 hộ thu gom, tái chế phế liệu, hoạt động này đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại nhãn mác, bao bì, nhựa không tái chế. Để giải quyết, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm "100 ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường" tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý môi trường, quản lý, phân loại chất thải phát sinh từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào có lượng thải bỏ ít.
Bên cạnh đó, xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn được công nhận làng nghề, trong đó có 5 thôn sản xuất tăm hương, tái chế rác... việc kinh doanh, sản xuất, tái chế có ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, huyện Ứng Hòa đã thành lập Cụm Công nghiệp Cầu Bầu và Cụm Công nghiệp Xà Cầu. Sau khi đi vào hoạt động, các cụm công nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Ứng Hòa đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2021, con số này là 54,67 triệu đồng/người/năm (tăng 42,29 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Cùng với đó, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Ứng Hòa đặt mục tiêu có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 28,6%); có từ 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trở lên. Những kết quả đạt được hôm nay chính là tiền đề để huyện cán đích mục tiêu mới trong giai đoạn tiếp theo.
*Văn phòng Nông thôn mới đồng hành cùng bài viết này!
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.