Ứng phó thế nào với rủi ro bất ngờ?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:40 AM 11/05/2020

Việc cần làm của các doanh nghiệp khi ứng phó với đại dịch bệnh COVID-19 nói riêng và các tình huống cấp bách nói chung đó là xây dựng và củng cố kế hoạch kinh doanh không gián đoạn.

    Các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực liên quan đến nhu cầu cũng như nguồn cung khi ứng phó với COVID-19 cũng như các tình huống cấp bách khác.

    Điều này nhằm ứng phó với các tình huống rủi ro mang tính bất ngờ. 

    Đó là nhận định của ông Julien Brun, Managing Partner, Công ty tư vấn quản trị cung ứng (CEL Consulting).

    Ông Julien Brun cho rằng, trong các thời điểm khủng hoảng, tiền mặt dự trữ càng trở nên cực kỳ quan trọng do tính thanh khoản của chúng. Khủng hoảng đại dịch bệnh gây nên sự sụt giảm nhu cầu nghiêm trọng, kéo theo đó là sự đứt đoạn dòng tiền của doanh nghiệp và rủi ro phá sản cao. Các doanh nghiệp càng nhỏ, lượng tích lũy tiền mặt có xu hướng càng ít và không thể bằng với các tập đoàn có quy mô lớn. Vì vậy, đảm bảo tính thanh khoản cần được ưu tiên hàng đầu, doanh nghiệp cần thiết lập một bộ phận xử lý tình huống cấp bách nhằm thực hiện các giải pháp tài chính sau đây giúp doanh nghiệp chống chọi trong giai đoạn khủng hoảng.

    Cụ thể, rà soát các áp lực hàng tuần về vốn lưu động: tiền mặt, hàng tồn kho, khoản đầu tư, các khoản phải thu và phải trả trong ngắn hạn, thuế và lương. Rà soát thanh khoản và ưu tiên các khoản thanh toán. Việc này giúp doanh nghiệp tuân thủ các nghĩa vụ và duy trì hoạt động kinh doanh hay ít nhất đáp ứng việc thực hiện dịch vụ ở mức chấp nhận được đối với khách hàng cốt lõi.

    Đồng thời, triển khai dự toán ngân sách “từ số 0”. Theo đó, tất cả chi phí phải được lập và dành cho một chu kỳ kinh doanh mới. Giảm thiểu rò rỉ tiền mặt (tồn kho, các loại chi phí). Rà soát từng quy trình và hoạt động gây ra sai hỏng, vật tư hay nguyên vật liệu không sử dụng đến hay sử dụng quá nhiều gây lãng phí.

    Tiếp nữa, thương thảo điều kiện thanh toán và các khoản nợ với đối tác và xem xét khả năng viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” trong các hợp đồng đã ký kết. Khi ký kết hợp đồng mới, doanh nghiệp cần đánh giá các nghĩa vụ của các bên trong trường hợp phát sinh, ví dụ như tính toán về thời gian thực hiện hợp đồng. Áp dụng nghiệp vụ bao thanh toán trong thực hiện giao dịch thanh toán đơn hàng với các đối tác. Huy động nguồn vốn bổ sung thông qua đầu tư, vốn chủ sở hữu, hạn mức tín dụng mới, liên doanh,... Tìm kiếm hỗ trợ tài chính của các nhà cung cấp, khách hàng (điều khoản thanh toán, bao thanh toán ngược, ký gửi, ...) cũng như tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động.

    Bên cạnh đó, chuyên gia CEL cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực liên quan đến nhu cầu cũng như nguồn cung. Những biến động thị trường cần phải được cập nhật nhanh chóng và chính xác để áp dụng vào các chiến lược hoạt động cụ thể…

    Theo Enternews

    Ý kiến của bạn