Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển
Ngày 31/3, tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19.
Trước hết, về các chính sách tài khóa theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến, là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Đối với việc gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất, nhóm nghiên cứu NEU cũng khuyến nghị Chính phủ nên tiếp tục mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian, tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách lần một, để xác định được những ngành, loại hình doanh nghiệp cần hỗ trợ, cũng như mức độ hỗ trợ phù hợp tuỳ theo sức ảnh hưởng của dịch bệnh.
Còn chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng, theo nhóm nghiên cứu, cần được phân bổ cho những mục đích chi tiêu ưu tiên khác.
Trong khi đó, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội theo nhóm nghiên cứu của NEU khuyến nghị phải được ưu tiên hàng đầu. Dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng thuộc khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Người lao động dù tạm thời chưa có việc làm cũng nên được duy trì tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tương tự với chính sách tiền tệ của Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hoè cũng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, chỉ đạo để giảm lãi suất tiền vay nhanh hơn nữa. Quốc hội hiện nay ấn định chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ngân hàng một năm không quá 4%. Ông đề nghị đưa mức này xuống 3,3-3,5% để tạo điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến nghị các chính sách hỗ trợ tín dụng cần rõ ràng, minh bạch và gỡ bỏ rào cản không cần thiết. Như gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, ban hành rồi sửa đổi nhưng vẫn xa rời thực tế.
Hơn nữa, chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19, cũng cần được rà soát và điều chỉnh để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Các ngân hàng cần chủ động đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể phát sinh từ các khoản nợ đã được cơ cấu lại, trích lập dự phòng đầy đủ nếu cần thiết.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động. Tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết DN.
Kinh tế trưởng của World Bank Jacques Morisset cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không hẳn là làm bao nhiêu mà là “phải làm hiệu quả hơn”. DN kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần minh bạch, dễ tiếp cận hơn, đồng thời kiểm soát tốt, chống lại tham nhũng, trục lợi chính sách.
Chuyên gia WB cũng khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam cần hết sức chú ý đến yếu tố “xanh”, chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề không khí, phát tiển năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa qua, có thể thấy rõ sự hiện diện của chuyển đổi số. Về cơ hội chuyển mình của nền kinh tế, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Muốn làm tốt kinh tế số trước tiên phải có cơ sở dữ liệu tốt, trong khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu khá chậm so với yêu cầu. Dù đã thành công bước đầu, bắt nhịp dần với xu thế chung nhưng ông Lực cho rằng “Việt Nam vẫn cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hơn nữa cho kinh tế số”.
“Một số vụ việc tranh cãi vừa qua cho thấy cơ quan quản lý vừa muốn đổi mới sáng tạo, nhưng vừa lo kiểm soát rủi ro từ DN. Do đó, cần sớm tìm được điểm cân bằng tối ưu giữa các bên, đồng thời chú ý đến đào tạo nhân lực để bắt nhịp sự phát triển”, ông Cấn Văn Lực nói.
Có cùng quan điểm về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong quá trình phục hồi phát triển, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng “đây là một quá trình”.
Đảng và Nhà nước đưa ra định hướng về các quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ cần công nghệ, thị trường, thể chế mà để thành công cần có sự tham gia hiệu quả của người dân và được thụ hưởng.
Dương Dương (Tổng hợp)Mỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.