UOB: Kinh tế Việt Nam đối mặt thách thức nhưng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh

Diễn đàn
08:43 AM 28/03/2025

Chuyên gia UOB cho rằng Việt Nam có nguy cơ cao phải đối mặt với thuế quan hoặc các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025 nhờ dòng vốn FDI liên tục tăng, đầu tư công mở rộng, cơ hội từ ngành bán dẫn.

Ngày 26/3, Ngân hàng UOB Việt Nam đã tổ chức Sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam 2025”. 

 Sự kiện với sự tham gia của hơn 200 khách hàng cùng các chuyên gia hàng đầu đền từ Ngân hàng UOB Việt Nam (UOB Việt Nam), Ngân hàng UOB (Singapore) và Công ty cổ phần quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam).

Tại sự kiện, các chuyên gia từ UOB và UOBAM Việt Nam đã cung cấp những nhận định đa chiều về tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, trước những thách thức về thuế quan thương mại dưới chính quyền Trump 2.0, dự báo về tăng trưởng GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), triển vọng thị trường chứng khoán và chiến lược đầu tư trong năm 2025.

UOB: Kinh tế Việt Nam đối mặt thách thức nhưng vẫn sẽ tăng trưởng mạnh- Ảnh 1.

Chuyên gia UOB chia sẻ tại sự kiện

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định, năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ đối diện nhiều bất ổn từ những chính sách khó đoán định của tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump. Cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức độ mở cao về thương mại như Việt Nam.

Dự báo về kinh tế khu vực ASEAN, ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB nhận định, do phụ thuộc nhiều vào thương mại và gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Trong đó, Việt Nam và Thái Lan có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với thuế quan hoặc các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ, do cả hai nước này đều có thặng dư thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, ông Abel Lim cho biết, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với các động lực mạnh mẽ đến từ dòng vốn FDI liên tục tăng, đầu tư công mở rộng, cơ hội từ ngành bán dẫn, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2025.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management (UOBAM Việt Nam), cũng cho rằng kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng, cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực bất động sản.

Cụ thể, ông Hưng cho biết Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khoảng 875.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 36 tỷ USD), tăng mạnh so với số thực giải ngân năm 2024 là 568.000 tỷ đồng. Điều này đã và đang tạo động lực thúc đẩy đầu tư khu vực công, làm gia tăng niềm tin đối với các lĩnh vực kinh tế khác cùng hướng đến sự phát triển.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công của Việt Nam năm 2025 vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều dự án trọng điểm như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam (tổng vốn 67,3 tỷ USD, năm 2027 khởi công); Sân bay Quốc tế Long Thành (tổng vốn 16 tỷ USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2025), Nhà máy điện hạt nhân…

Mặc dù vậy, tác động đối với kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump sẽ có 2 mối quan tâm chính: Thứ nhất là doanh thu xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng từ Việt Nam; thứ hai là áp lực lên tỷ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng mạnh.

Mối quan tâm này xuất phát từ việc Mỹ đang là đối tác thương mại có kim ngạch thương mại song phương đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) và có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trước động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng chính sách thuế như một công cụ để đưa các bên vào bàn đàm phán nhằm thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management (UOBAM Việt Nam) nêu ra một số giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Đó là Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Song song đó, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đa phương, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng

Sáng 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.