UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7%

Diễn đàn
08:30 AM 10/01/2025

Trong dự báo về triển vọng kinh tế công bố ngày 9/1, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% từ mức 6,6% nhờ kỳ vọng vào sự chuyển biến nhiều nhân tố.

Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu cao hơn, tăng trưởng ít nhất 8%, nhằm tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Dựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024 kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 lên 7%, trước đó là 6,6%.

"Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm", báo cáo nêu.

Các yếu tố này cộng hưởng với tình hình bên ngoài đang được nhìn nhận tích cực hơn. UOB kỳ vọng chính phủ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn.

UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7%- Ảnh 1.

UOB là tổ chức tài chính quốc tế đưa dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2025 lạc quan nhất đến nay. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, UOB là tổ chức tài chính nước ngoài mới nhất điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 và cũng là tổ chức đưa ra mức dự báo lạc quan nhất.

Trước đó, HSBC đã dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 lên 6,6%, tăng 0,4 điểm % so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 9/2024.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 8/1, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết có cơ sở để kinh tế năm nay tăng trưởng 8%. Theo ông, đổi mới và hoàn thiện thể chế tiếp tục là một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng đạt kết quả cao. Cùng với đó, đầu tư công cũng được tập trung giải ngân ngay từ đầu năm. Các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng và xuất khẩu cũng được Chính phủ chú trọng củng cố và làm mới.

Về thách thức, UOB cho rằng sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm. Bởi lẽ, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, khi đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 400 tỷ USD vào 2024, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa là 450 tỷ USD.

Dự báo về việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại. Với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm, điều này mở ra khả năng cho NHNN nới lỏng lập trường chính sách của mình.

Tuy nhiên, tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với NHNN và nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ. Với sự không chắc chắn trong tương lai về chu kỳ điều chỉnh lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và căng thẳng địa chính trị, thương mại sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Trump nhậm chức, Ngân hàng UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn