UOB: Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo chuyên gia của Ngân hàng UOB, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh để có thể biến triển vọng thành dòng vốn đầu tư.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề: "Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới", nhiều ý kiến bày tỏ triển vọng khả quan của Việt Nam. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024.
Một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI... được dự báo có triển vọng tươi sáng trong năm 2024, đặc biệt ngành dệt may sẽ có sự cải thiện.
Theo chuyên gia UOB, năm 2024, một số quốc gia lớn có thể rơi vào suy thoái nhẹ, trong đó có Mỹ. Dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy giảm nhẹ 0,5% vào quý 1 và 1,2% vào quý 2/2024 sau đó phục hồi vào nửa cuối năm 2024. Sự suy giảm này được dự báo không tác động quá lớn tới tổng cầu của thị trường Mỹ trong năm 2024.
Trong khi đó, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Suan Teck Kin dẫn chứng năm 2016, 21,6% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống 14,1%. Trong khi đó, Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 1,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2023.
Việt Nam đang ở vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau Singapore và Indonesia. Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp.
Việt Nam cũng được nhận định là sẽ có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản hơn 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Để có được những động lực tăng trưởng mới, chúng ta cần xây dựng dựa trên những động lực sẵn có. Việc gia tăng giá trị cho những động lực cũ này là rất quan trọng. Ví dụ như nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm chi phí, chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo, từ đó sẽ có được những sản phẩm mới, những mô hình sản xuất mới
Đặc biệt, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
Minh An (t/h)Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.