Ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng đạt trên 70% kế hoạch

Tài chính - Đầu tư
08:35 AM 28/12/2024

Đến nay giải ngân đầu tư công của TP.HCM, một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, mới đạt trên 51% đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 12/2024, cả nước giải ngân được trên 529.632 tỷ đồng, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tỷ lệ giải ngân ước 12 tháng của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng đạt trên 70% kế hoạch- Ảnh 1.

Vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Ảnh: Thanh Tra

Cũng theo báo cáo này, mặc dù ước giải ngân 12 tháng vốn ngân sách Trung ương đạt trên 72%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt gần 70%), nhưng vốn ngân sách địa phương ước giải ngân 12 tháng đạt trên 69% kế hoạch và đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao lại thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt tỷ lệ lần lượt là trên 76% và trên 94%).

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2024, tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện mới có 16 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (88,34%), Ngân hàng Nhà nước (84,83%), Bộ Giao thông vận tải (83,3%), Bộ Công an (81,88%); Bắc Kạn (91,32%), Bình Định (91,19%), Nghệ An (90,59%), Vĩnh Phúc (90,54%), Hòa Bình (89,47%), Hà Nam (89,25%).

Vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% hoặc giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hà Nội (10,31%), Bộ Y tế (15,43%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (17,78%) … Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% như: Kon Tum (41,45%), Kiên Giang (41,8%), Bình Phước (49,82%).

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh - một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, nhưng đến nay mới giải ngân đạt trên 51% đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân 12 tháng đạt cao với tỷ lệ 91,75%; trong đó, vốn Chương trình phục hồi của bộ, cơ quan trung ương quản lý đạt 99,8% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đạt tỷ lệ 100%).

Theo Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng đối với vốn ngân sách địa phương có các khó khăn liên quan đến nguồn thu sử dụng đất do chưa đảm bảo so với dự toán được cấp thẩm quyền giao, dẫn đến chậm phân bổ nguồn thu sử dụng đất, ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn này.

Để đạt được kết quả giải ngân 95% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng để giải ngân nguồn vốn.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.