Uông Bí (Quảng Ninh): Nhiều vấn đề cần làm rõ trong công tác GPMB tại dự án mở rộng QL18

Đời sống
12:08 PM 13/08/2020

Cho rằng việc giải phóng mặt bằng, đền bù để phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 18 (QL18) có nhiều dấu hiệu chưa đúng với quy định của pháp luật, nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, cực chẳng đã hơn 40 hộ dân đã phải làm đơn khởi kiện UBND TP Uông Bí.

Uông Bí (Quảng Ninh):  Nhiều vấn đề cần làm rõ trong công tác GPMB tại dự án mở rộng QL18 - Ảnh 1.

Người dân trao đổi thông tin, nguyện vọng với PV.

Mới đây, Tòa soạn DN&TT nhận được đơn thư kêu cứu của nhiều hộ dân sinh sống tại ven QL18A (Bí Trung 2, phường Phương Đông, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) liên quan đến công tác đền bù, GPMB tại dự án QL18.

Nội dung trong đơn: Thời điểm năm 1954, nhiều người dân đã kéo nhau về lập làng, khai hoang và sinh sống ổn định tại khu Bí Trung 2 cho đến ngày nay.

Nơi đây có con đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc, mặt đường rất hẹp và ít phương tiện qua lại. Đến năm 1996, Dự án đường QL 18 mở rộng giai đoạn 1. Lúc này, Ban giải phóng mặt bằng tỉnh Quảng Ninh, Sở Giao thông vận tải cùng UBND thị xã Uông Bí có đi kiểm tra và lên kế hoạch thu hồi đất của người dân để phục vụ dự án.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cho Ban quản lý giải phóng mặt bằng thị xã Uông Bí lấy từ mép đá vỉa đường cũ vào là 2,7m nhà nước không bồi thường. Từ 2,7m đó trở vào trong dự án chiếm dụng lấy đất của người dân đến đâu sẽ phải bồi thường đến đó. Sau đó thời điểm năm 1996-1998 dự án đã lấy vào đất của người dân trên dưới 1m đã bồi thường xong, phần còn lại là đất của người dân tiếp tục sử dụng.

Uông Bí (Quảng Ninh):  Nhiều vấn đề cần làm rõ trong công tác GPMB tại dự án mở rộng QL18 - Ảnh 2.

Biên bản xác định khối lượng đền bù GPMB ngày 7/12/1998của Ban Giải phóng đền bù Quốc lộ 18, tỉnh Quảng Ninh.

Trong thời gian này, tại các biên bản xác định khối lượng, đền bù GPMB của Ban giải phóng mặt bằng QL18 tỉnh Quảng Ninh gửi cho người dân có ghi rõ diện tích đất ở chiếm dụng vĩnh viễn để thi công nền mặt đường và đất ở mượn 2 năm để thi công trong hành lang bằng 3m. Trong biên bản này cũng vẽ sơ đồ chiếm dụng thể hiện rõ phần đất chiếm dụng và phần đất mượn của người dân. Sau khi dự án hoàn thành, phần đất mượn người dân để thực hiện thi công được hoàn trả cho người dân sử dụng bình thường.

Đến thời điểm năm 2015 dự án QL18 mở rộng giai đoạn 2, tiếp tục chiếm dụng vào đất của người dân.

Ngày 26/6/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 1813/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, bố trí tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Bắc Ninh –-Uông Bí.

Tại mục 1.1 khoản B quyết định này ghi rõ các vị trí bám mặt đường 18A mới (từ cầu Sến đến giáp địa phận huyện Đông Triều) - đoạn từ tiếp theo khu quy hoạch dân cư của công ty Hà Khánh An đến cầu Cảnh Nghi có mức giá bồi thường là 14.500.000đ/m2.

Thời điểm này, người dân tại đây được phổ biến và đồng tình với mức giá bồi thường trên nên đã ký vào biên bản giáp ranh. Tuy nhiên, sau khi Ban giải phóng mặt bằng TP Uông Bí làm phương án bồi thường cho người dân lại không áp dụng mức giá này mà lại áp dụng mức giá 50.000đ/m2 theo khỏan 1.1 mục II của quyết định này với lý do tại biên bản xét duyệt nguồn gốc đất của UBND phường Phương Đông xác định loại đất thu hồi của người dân là đất trồng cây lâu năm. Lúc này người dân mới không đồng tình, không nhận tiền và làm đơn khiếu nại gửi đi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Sau một thời gian dài, đến thời điểm năm 2017, chính quyền nơi đây đưa ra mức hỗ trợ người dân số tiền 7.250.000đ/1m2. Tuy nhiên, số tiền này mục đích là để hỗ trợ chứ không phải đền bù thu hồi đất. Người dân cho rằng diện tích đất bị thu hồi là đất ở phải được bồi thường theo giá đất ở là đúng quy định của pháp luật.

Lý giải về việc này, người dân cho biết họ về đây sinh sống nhiều năm, nguồn gốc của những mảnh đất này có nhà ở nằm trong cùng một thửa được hình thành từ trước ngày 18/12/1980 (thổ cư) và sử dụng vào mục đích để ở, thế nên theo luật đều phải là đất ở. Thời điểm năm 1992, chính quyền nơi đây có làm bản đồ giải thửa, trong bản đồ này lại chia thửa đất của người dân làm 2 bằng một vạch kẻ đứt. Năm 1996-1998 khi đền bù đất cũng thể hiện rõ phần diện tích sát mép đường của người dân là đất ở, tuy nhiên năm 1992, 1993 và các năm tiếp theo UBND thị xã Uông Bí lại bất ngờ cấp một loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích thực tế, không qua khảo sát, lấy ý kiến người dân. Thậm chí nhiều vị trí đất có nhà ở kiên cố từ nhiều năm về trước lại được cho rằng đó là đất trồng cây.

Trước thực trạng này, người dân nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi lên các cơ quan chức năng nhưng đều bị từ chối và bác bỏ, không cho người dân câu trả lời thỏa đáng. Đến thời hạn bắt buộc bàn giao mặt bằng sạch để phục vụ dự án, tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí đã thực hiện cưỡng chế thu hồi diện tích đất của người dân. Cực chẳng đã, hàng chục hộ dân đã làm đơn khởi kiện chính quyền lên Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tại đây, Tòa án sơ thẩm tỉnh Quảng Ninh đã bác nội dung khiếu nại của người dân. "Kêu trời chẳng thấu" hàng chục người dân nơi đây lại tiếp tục làm đơn phúc thẩm kháng cáo bản án của tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh gửi lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Được biết, hiện tại Tòa án nhân dân cấp cao đã tiếp nhận và đang tiến hành đưa vụ án ra xét xử đối với từng hộ dân riêng lẻ.

Thiết nghĩ, phải chăng các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Uông Bí nên xác minh lại rõ nguồn gốc đất của người dân ven QL18 khu Bí Trung 2, phường Phương Đông để đảm bảo quyền lợi của người dân một cách tốt nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin!

Nhóm PV
Ý kiến của bạn