Mấy mươi năm qua rồi, bài thơ "thần" của cựu chiến binh Lê Bá Dương, một trong hàng ngàn người từng bám trụ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm xưa, nay vẫn còn lay động lòng người. Mỗi khi có ai đó cất lên những câu thơ này, lòng tôi lại như có lửa đốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".
Bao nhiêu sự đền đáp cho xứng được với công lao các chị, các anh? Có lẽ không một ai có thể trả lời được câu hỏi này mà chúng ta chỉ có thể làm vơi đi phần nào nỗi đau của những người mẹ, nguôi ngoai bớt nỗi buồn, nỗi đau của những người cha các anh, các chị.
Trong niềm xúc động và tự hào của cả dân tộc, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, diễn ra tại Hội trường được phát thanh và truyền hình trực tiếp vào sáng ngày 27/7, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
"Trong giờ phút trang nghiêm này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Cũng tại diễn đàn này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc ta.
Trong những năm tháng qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều việc làm thiết thực đã chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Tuy vậy, với họ, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, nhất là sự thiếu vắng của những người thân yêu nhất, những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, để lại sự khắc khoải khôn nguôi trong lòng mỗi người thân cũng như trong mỗi người con đất Việt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả. Đó vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện bằng được mục tiêu: Các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Với bản lĩnh kiên cường, nhiều thương, bệnh binh vững vàng vươn lên trong cuộc sống, trở thành điển hình doanh nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở thời bình. Có thể dẫn ra đây rất nhiều tấm gương như vậy.
Đó là thương binh Trần Xuân Vu, xóm Tiền Phong, xã Mai Hạ (Mai Châu - Hòa Bình) sắm 1 xe công nông để chuyên chở vật liệu xây dựng. Khởi nghiệp từ năm 2004, đến năm 2010, ông đổi từ xe công nông sang xe ô tô cũ. Năm 2012, sau khi tích lũy được nguồn vốn kha khá, ông bán xe ô tô cũ, sắm 2 xe ô tô mới. Với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, ông mở rộng quy mô SX-KD dịch vụ vận chuyển, mua thêm máy xúc để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài địa bàn. Bên cạnh đó, ông còn là điển hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Mỗi năm, mô hình mang về cho gia đình ông 600-700 triệu đồng lợi nhuận, giúp 5 lao động ở địa phương có việc làm, thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Với phương tiện kinh doanh hiện có, ông tích cực ủng hộ đóng góp để sửa sang, xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.
Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn (cửa chính phía Nam) được phục dựng theo kiến trúc cũ và Người dân dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.
Năm 2011, có cơ hội đi thăm quan mô hình cây ăn quả có múi ở huyện Cao Phong trở về, thương binh Bùi Xuân Đợi ở xóm Muôn, xã Kim Lập (Kim Bôi) mạnh dạn tìm nguồn vốn đầu tư, học hỏi kỹ thuật và chuyển đổi diện tích đất sẵn có sang trồng cam, quýt đặc sản. Đến nay, gia đình ông có cơ ngơi hơn 2 ha cam, quýt đang trong thời kỳ khai thác kinh doanh, 5 ha keo nguyên liệu. Cộng với một phần thu nhập đáng kể từ chăn nuôi trâu, lợn, gà, lợi nhuận của gia đình ông đạt trên 600 triệu đồng/năm, góp phần tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 10 lao động.
Cũng tại tỉnh Hòa Bình, có bệnh binh Đỗ Minh Hòa là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền. Với đường hướng vạch ra là tạo việc làm, cải thiện nguồn thu nhập cho người nghèo, doanh nghiệp đã góp sức khôi phục vùng trồng quýt ngọt, hình thành thương hiệu su su vùng cao huyện Tân Lạc, triển khai liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm tại các xã khó khăn thuộc 2 huyện Đà Bắc, Mai Châu.
Cùng với người bạn đời là bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc công ty, ông trực tiếp hướng dẫn, đào tạo, tập huấn kỹ thuật để bà con nông dân biết trồng, thu hái, bảo quản đúng cách. Bằng nỗ lực từng bước, nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng cao có nhiều chuyển biến. Quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng, doanh nghiệp đã xây dựng thành công các thương hiệu chè Hòa Bình chất lượng VietGAP. Trong đó, chè Shan tuyết Pà Cò được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Nhiều lần, sản phẩm chè của công ty được chọn trao giải thưởng Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Họ xứng danh là những người "thương binh tàn nhưng không phế", như lời dạy của Hồ Chủ tịch.
Tác giả: Hà Phương
Trình bày: Đức Hiếu