Ðường sắt đô thị, kỳ vọng thay đổi thói quen của người dân Thủ đô

Diễn đàn
11:35 AM 13/11/2021

Không chỉ thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội, giải quyết ùn tắc, mạng lưới đường sắt đô thị (ÐSÐT) còn được kỳ vọng sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân Thủ đô trong thời gian tới.

Sau bao nhiêu năm trông đợi, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động. Người dân Thủ đô mong đợi đường sắt đô thị sẽ hoạt động thực sự hiệu quả, là một trong những giải pháp giải quyết những tồn tại của giao thông Hà Nội.

Để di chuyển khoảng 10 km trong nội đô mất 35-40 phút bằng xe máy, hay 60- 70 phút bằng ô tô và nếu tắc đường thì thời gian di chuyển còn nhiều hơn nữa. Thế nhưng, cũng quãng đường đó, nếu sử dụng metro thì chỉ mất khoảng 15-20 phút vào bất kể thời điểm nào trong ngày.

Ðường sắt đô thị, kỳ vọng thay đổi thói quen của người dân Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội hiện có khoảng 5,7 triệu xe máy và gần 700.000 ô tô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội. Mật độ phương tiện cá nhân cao; ùn tắc thường xuyên xảy ra; ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động… Loại hình đường sắt đô thị được kỳ vọng là sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện giao thông ở Thủ đô.

Mỗi chuyến tàu vận chuyển tới 960 hành khách chỉ mất 13 phút để di chuyển 13km nếu đi thẳng không dừng tại các ga. Năng lực vận tải lên tới 30.000 - 40.000 hành khách/giờ/hướng… Đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận chuyến số lượng lớn, tốc độ cao, tuyến xa… và nó còn là phương tiện lý tưởng đảm bảo giờ giấc, tiết kiệm hao phí xã hội lên đến cả chục nghìn giờ di chuyển trên đường mỗi năm.

Với một đại đô thị có số dân lên tới trên chục triệu người như Hà Nội thì hệ thống giao thông công cộng cần phải có các đặc tính: giá thành hợp lý, diện tích chiếm dụng thấp, xả thải ra môi trường thấp, vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh… Việc đầu tư xây dựng mạng lưới hệ thống đường sắt đô thị vô cùng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển chung của cả xã hội cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị trong đó, 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm gần 420km, 5 tuyến còn lại kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven đô.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%.

Ngoài Cát Linh - Hà Đông hơn 13km vừa đưa vào vận hành thương mại, TP Hà Nội đang tập trung cao độ cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài hơn 12 km, trong đó có 8,5km đi trên cao dự kiến khai thác vào cuối năm 2022.

Ðể xây dựng được một đường tuyến metro (hệ thống tàu điện ngầm cao cấp) không đơn giản, phải tốn khoảng từ 2 đến 4 tỷ USD, tùy theo độ dài, đi ngầm hay trên không, metro cỡ rộng hay cỡ thường. Mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng việc xây dựng các tuyến metro sẽ giúp giải quyết được những vấn đề nan giải như ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn. Một khi các tuyến metro được phát triển thành tuyến vòng tròn khép kín như nhiều thành phố lớn trên thế giới, sẽ giúp đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân trong nội thành cũng như các vùng phụ cận.

Mặt khác, ÐSÐT trên cao sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cư dân. Ðơn cử, tại Băng-cốc, tuyến tàu điện trên cao đi qua khu vực nội thành khánh thành năm 1999 và cho đến giờ, mỗi ngày đều có hơn 500 nghìn lượt cư dân khu vực lân cận sử dụng, giúp tránh được ùn tắc giao thông. Hệ thống này còn làm tăng đáng kể giá trị bất động sản, nhất là các căn hộ gần ga tàu…

Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng đè nặng lên quỹ hạ tầng eo hẹp của Thủ đô, thì việc đưa các tuyến đường sắt đô thị vào vận hành được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội, giải quyết ùn tắc, tai nạn, mà lớn hơn, sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.