USDA: Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ 5 thế giới
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) vừa dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ năm thế giới trong niên vụ 2021/2022 với lượng nhập khẩu đạt 14 triệu tấn trong năm nay.
Theo USDA, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường ngô thế giới trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống trong niên vụ 2021/2022. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ năm thế giới trong niên vụ 2021/2022.
Hoạt động gia tăng mạnh nhập khẩu ngô thường gắn với sự tăng lên về tiêu thụ các sản phẩm chứa protein có nguồn gốc từ động vật như thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm. Ngô là nguyên liệu quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong phối trộn, sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc. Trong những năm gần đây, tăng trưởng quy mô ngành chăn nuôi của Việt Nam ở mức 5% - 6%/năm. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn được mở rộng và phát triển ấn tượng với mức tăng trưởng trung bình đạt 13-15%/năm, kéo theo đó là nhu cầu tăng cao đối với nguồn ngô nguyên liệu.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hóa tại Việt Nam cho biết hoạt động nhập khẩu ngô của Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với tốc độ tăng nhập khẩu đạt trung bình 16%/năm trong 3 năm gần nhất. Năm 2020, nhập khẩu khô của Việt Nam chính thức vượt qua mốc 12 triệu tấn và con số này được kỳ vọng có thể đạt mức 14 triệu tấn trong cả năm 2021.
Tuy nhiên, sản lượng và diện tích trồng ngô của Việt Nam lại có xu hướng sụt giảm sâu kể từ năm 2015 đến nay khiến nguồn cung ngô nội địa chỉ có thể đạt tối đa 4,5 – 5 triệu tấn ngô hạt. Nguyên nhân chủ yếu do năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn và suy giảm chất lượng, trong khi đó, các giống ngô biến đổi gien vốn cho năng suất cao chưa được phổ biến rộng rãi khiến hiệu quả kinh tế từ việc trồng ngô thấp so với một số giống cây trồng khác. Đồng thời, giá ngô nhập khẩu có mức giá tương đối rẻ hơn giá ngô nội địa khiến người nông dân có xu hướng thu hẹp diện tích canh tác, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Những yếu tố trên khiến lượng ngô được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Ngô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Achentina, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, Achentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của ngô Hoa Kỳ tại Việt Nam được USDA kỳ vọng có thể tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% nhằm hạ nhiệt giá nguyên vật liệu đầu vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Giá nguyên liệu đầu vào thường chiếm khoảng 80% - 85% so với giá thành sản xuất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Dự kiến nhu cầu về ngô nói riêng và thức ăn chăn nuôi gia súc tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi hoạt động tái đàn lợn sau đợt Dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 được đẩy mạnh. Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết các dữ liệu sơ bộ cho thấy quy mô đàn lợn tại Việt Nam trong năm 2020 đã đạt tương đương 78% của năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,55 triệu tấn, tăng 221,3 nghìn tấn so với năm 2019.
Minh ĐăngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.