USDA: Việt Nam xếp thứ 2 sau Ấn Độ về xuất khẩu gạo
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Ấn Độ sẽ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới vẫn ở mức cao.
Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra dự báo, theo đó Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.
Với dự báo trên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo. Nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo tiếp tục là Ấn Độ, còn Thái Lan đứng thứ 3.
Theo USDA, năm 2021 sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d'Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và Liên minh châu Âu (EU) (tăng 2,1%).
Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.
Năm 2020 bất chấp dịch bệnh COVID-19, Việt Nam vẫn xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo. Do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao, đạt trung bình 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với giá cùng kỳ năm ngoái nên tuy giảm 10,8% về lượng nhưng tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,01 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Mỹ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán nhờ các hợp đồng mua gạo từ các thị trường như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc... Hiện Philippines, Trung Quốc, Malaysia, châu Phi... là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm nay Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn thóc, ngoài số lượng dành cho tiêu dùng trong nước, dự trữ... thì còn dư khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu. Với những nỗ lực hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và sự vươn lên vững chắc của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ đạt được con số tăng trưởng ấn tượng.
Huyền Thương (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.