Ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam tham gia Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tinh thần chung là ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc.
Chính phủ vừa có Tờ trình số 685/TTr-CP gửi Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo Tờ trình, trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trên 1.713 tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD).
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia, sẽ có nhiều tác động đến một số ngành kinh tế của nước ta. Đặc biệt, theo kinh nghiệm quốc tế, để phát triển ngành công nghiệp đường sắt, các quốc gia cần làm chủ công nghệ lõi, có ngành công nghiệp phụ trợ vững mạnh và nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam có dịp được phát huy năng lực.
Nhằm giải quyết bài toán này, trong những chính sách đặc thù được đề xuất, Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ phục vụ dự án thuộc nhóm đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ đặc biệt đề xuất ưu tiên lựa chọn tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới mà trong nước chưa có.
Người đứng đầu Chính phủ được quyết định các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất được. Đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất, chủ đầu tư, tổng thầu phải ưu tiên đặt hàng từ doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng tại Toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra cơ chế chính sách làm sao doanh nghiệp trong nước tham gia được. Cụ thể, ràng buộc các điều kiện, tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được, đó là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Đưa ra chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đặt hàng các doanh nghiệp trong nước, các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận, mong muốn doanh nghiệp trong nước không chỉ tham gia xây dựng đường sắt mà dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt. Quan trọng nhất là phải có chiến lược triển khai việc này, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước. Cơ chế chính sách là rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ nếu thiếu cơ chế chính sách đặc thù.
Cùng với đó, Bộ GTVT đã khảo sát, làm việc với doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép, Tổng công ty Đường sắt về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…
Tinh thần chung là ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao trải dọc Bắc - Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc.
Minh AnNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".