Ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, giảm ùn tắc giao thông
Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân.
Ngày 11/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Hà Nội, Hội Cầu đường Hà Nội, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm tìm giải pháp hạn chế việc sử dụng xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô.
Để đạt được mục tiêu này điều kiện tiên quyết là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Việc này đã được nhiều thành phố trên thế giới làm và có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý, đã loại bỏ xe máy và giảm ô-tô cá nhân ở trong nội đô, giảm được ùn tắc giao thông…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực phối hợp các bộ, ngành, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo ở các cấp khác nhau, ở các ngành khác nhau về các lĩnh vực của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, thành phố sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đầu tiên sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị vì đường sắt đô thị có nhiều ưu điểm: giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… để đưa vào Luật.
“Đối với Việt Nam là vấn đề mới nên rất cần sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để nhân dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ. Do đó, tại hội thảo này, Hà Nội mong muốn tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để đạt mục tiêu hai năm tới sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 100km...", ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất.
Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển 35.000-36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000-26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000-8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%.
Từ kết quả này, ông Trường cũng kiến nghị cần có sự đồng bộ về hạ tầng, ngoài mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân.
Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo mong muốn cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị; về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn thành phố.
Trong khi đó, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh đề xuất phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực TOD được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư…
Minh AnNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".