Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động
Mới đây, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam
Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được xây dựng với bố cục gồm 5 chương với 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được khẳng định trong dự luật gồm: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng CAND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Liên quan đến vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3 dự thảo Luật Chính phủ trình), Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "chuyên trách"; làm rõ hơn tính đặc thù của CSCĐ, bổ sung chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của CSCĐ cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bỏ cụm từ "chuyên trách". Đối với các ý kiến khác, qua nghiên cứu, Thường trực UBQPAN thấy rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định khái quát về chức năng của CSCĐ không nhắc lại các nội dung đã có trong Luật Công an nhân dân là phù hợp. Do đó, đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên các nội dung này.
Về một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CSCĐ là "lực lượng vũ trang nhân dân" và làm rõ hơn tính vũ trang của lực lượng CSCĐ, Thường trực UBQPAN cho rằng lực lượng CSCĐ thuộc CAND; dự thảo Luật Chính phủ trình quy định CSCĐ là"lực lượng vũ trang nhân dân" cũng thống nhất với Khoản 1 Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Khoản 1 Điều 13 của Luật Biên phòng Việt Nam, đồng thời là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên nội dung này.
Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị cân nhắc Điểm đ Khoản 2 vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ.
Thường trực UBQPAN cho rằng quy định nhiệm vụ "Tuần tra, kiểm soát" là kế thừa Khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, hiện nay đang thực hiện theo Thông tư số 58/2015/TT-BCA ngày 03/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ. Thời gian qua, công tác này đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA.
Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình), một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.
Thường trực UBQPAN nhận thấy, quy định về quyền hạn của CSCĐ được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý Điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về đề nghị quy định trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của CSCĐ, Thường trực UBQPAN thấy rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ liên quan đến nhiều luật như: Luật Công an nhân dân; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hàng không dân dụng… Trong khi các luật này đã quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Do đó, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH không quy định lại các nội dung trên.
Về phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), UBQPAN cho biết, một số ĐBQH băn khoăn về vai trò chủ trì, phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ như đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, chủ trì việc cứu hộ, cứu nạn trên biển… và đề nghị rà soát đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành bảo đảm tính thống nhất.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Nhiều ý kiến đề nghị, cần giữ điều khoản về giải thích từ ngữ. Trong đó, cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang.
Bảo đảm sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung
Có ý kiến cho rằng, một số khái niệm khác trong chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục được nghiên cứu rà soát và giải thích rõ. Về phối hợp giữa cảnh sát cơ động và cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan cần nhấn mạnh sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ.
Cho rằng việc thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài,…
Ngoài ra, đa số ý đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định về trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết các cơ quan liên quan đã chủ động, tích cực làm việc có trách nhiệm cầu thị và tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu.
Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, UBTVQH cơ bản nhất trí các nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu quy định bảo đảm tính khái quát, rõ ràng hơn, làm căn cứ quy định các nội dung khác của dự thảo luật.
Về quyền hạn của CSCĐ, UBTVQH cho rằng dự thảo đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn CSCĐ thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Tuy nhiên, do thực hiện quyền hạn CSCĐ có liên quan nhiều đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi và tránh lạm quyền.
Về phối hợp giữa CSCĐ và cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, UBTVQH yêu cầu cần nhấn mạnh sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị sau phiên họp này, Thường trực UBQPAN chủ trì phối hợp với ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổng hợp tiếp thu đầy đủ các ý kiến của ủy viên UBTVQH hoàn chỉnh dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.
Nguyễn HoàngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.