Vắc xin Covid-19 "made in Viet Nam" dự kiến ra mắt cuối năm 2021
Việt Nam hiện có 04 đơn vị đang nghiên cứu vắc xin Covid-19 gồm Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen, đều có tiến độ rất khả quan.
Theo đó, Công ty vắc xin và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (Vabiotech) sử dụng công nghệ tái tổ hợp, còn gọi là vector virus, đã thử nghiệm vắc xin dự tuyển trên chuột và có kết quả sinh miễn dịch tốt ở liều nhắc lại. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định, đủ tiêu chuẩn thử nghiệm trên người vào năm sau.
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sử dụng công nghệ tái tổ hợp, đã nghiên cứu thành công ứng cử viên vaccine subunit dựa trên gene S của nCoV thuộc chủng virus ở Vũ Hán, Trung Quốc và chủng đột biến D614G.
Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) cũng sử dụng công nghệ vector virus, đang chờ Bộ Khoa học và Công Nghệ phê duyệt dự án nghiên cứu sau đó tổ chức đấu thầu sinh phẩm.
Theo GS.TS khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vắc xin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế, Việt Nam có thể có vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021. Tốc độ nghiên cứu như vậy là quá nhanh, thông thường phải mất 5-6 năm mới có một vắc xin đủ tiêu chuẩn.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tốc độ sản xuất vắc xin Covid-19, rút ngắn quy trình sản xuất và cấp phép để sớm có vắc xin đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng . Bộ Y tế cũng chuẩn bị những đề án mang tính đầu tư như Quỹ vắc xin, để người dân được tiếp cận, sử dụng vắc xin.
Mặc dù Bộ Y tế yêu cầu rút ngắn quy trình sản xuất và cấp phép nhưng "sẽ không bỏ qua giai đoạn nào trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin thực tế, để đảm bảo vắc xin an toàn nhất khi đến tay người dân. Vabiotech cũng theo dõi các kết quả nghiên cứu của thế giới về hiệu lực của các dự tuyển vắc xin trên người để so sánh, rút kinh nghiệm và áp dụng cho vắc xin của Việt Nam", TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, cho biết.
Mỹ UyênĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.