Theo TS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng ở thời điểm hiện tại, với biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm thì việc tiêm ngừa cho trẻ em là cần thiết.
Khi dịch bệnh lan rộng thì khả năng trẻ con nhiễm bệnh sẽ càng tăng lên. Hiện nay, nhiều nơi đang giãn cách nên tỷ lệ trẻ em mắc bệnh thấp hơn người lớn. Tại Việt Nam, ước chừng khoảng hơn 20.000 trẻ em nhiễm COVID-19 và tỷ lệ tử vong vô cùng thấp, chủ yếu trẻ béo phì hay có kèm bệnh lý nền, bệnh bẩm sinh.
Nhưng tại Mỹ, tính đến 7/10/2021 có khoảng 6 triệu trẻ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 16% tổng số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, khi Mỹ mở cửa trở lại thì tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 tăng lên tới 24,8 %.
Vì vậy, nếu Việt Nam mở cửa, hết giãn cách, trẻ em đi học lại thì số trẻ nhiễm COVID-19 có thể cũng tăng lên. Trước đây, chúng ta chưa chú trọng tiêm vaccine cho trẻ em vì nguy cơ bệnh nặng của trẻ thấp hơn, ưu tiên tiêm cho người lớn hơn. Nhưng hiện tại, tỷ lệ người lớn tiêm chủng nhiều hơn, nếu số vaccine nhiều hơn, dự trữ vaccine đã có thì cần nghĩ tới tiêm ngừa cho trẻ.
Còn theo TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng 1, COVID-19 xuất hiện từ tháng 12/2019 đến nay đã có hơn 240 triệu người mắc bệnh, gần 5 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam ở làn sóng thứ 4 đã có 680 nghìn người nhiễm bệnh, TP.HCM chiếm hơn 1 nửa. Theo thống kê của Bộ Y tế số trẻ em dưới 17 tuổi mắc bệnh chiếm 17% trong đó có nhiều trường hợp phải vào ICU và đã ghi nhận có trường hợp tử vong. Đến nay, số liệu về COVID-19 ở trẻ vẫn là một con số lớn, chúng ta vẫn cần phải quan tâm và TS Nhàn cho rằng có 3 lý do cần phải tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở thời điểm này:
Ở các nước đã quay trở lại bình thường như nước Anh bởi vì họ đã đạt miễn dịch cộng đồng. Còn với nước ta, với chủng Delta, tỷ lệ cần tiêm miễn dịch cộng đồng phải đạt 90%. Vì vậy, dù tiêm chích đủ cho người từ 18 tuổi trở lên thì cũng chỉ đạt 70%. Vì vậy, để đạt miễn dịch cộng đồng 90% thì phải tiêm cả đối tượng 12 đến 18 tuổi. Ví dụ tại TP.HCM nếu tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi thì đạt được khoảng 85% miễn dịch cộng đồng.
Vì vậy nếu tiêm cho người lớn là điều kiện cần thì tiêm vaccine cho đối tượng 12 - 18 tuổi là điều kiện đủ để đạt miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan với tốc độ chóng mặt, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển và tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, chủ yếu là ở độ tuổi từ 12-17, trong số đó có Mỹ, Trung Quốc và hàng loạt các nước châu Âu. Tất cả những quyết định tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra đều dựa trên những đánh giá kỹ lưỡng và thử nghiệm lâm sàng.
Cũng trong một xu thế chung cần phải có vaccine tiêm cho trẻ em, Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận và triển khai tiêm vaccine cho trẻ em.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em Việt Nam được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.
Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em đồng thời cũng giao cho các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Các địa phương cần thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Thực hiện theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm, hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm theo các quy định của Bộ Y tế. Các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm tích cực tham gia tiêm kịp thời và đầy đủ.
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.
Song song với việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi để bảo vệ đối tượng này trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
PGS, TS Trần Đắc Phu đánh giá, tiêm vaccine rất có lợi đối với trẻ có bệnh nền và có người thân bị suy giảm miễn dịch hoặc thuộc các đối tượng dễ bị tổn thương. Xét về góc độ tâm lý - xã hội thì việc tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như trong trường học. Trẻ không thể ở nhà mãi, trẻ cần được đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất khác.
Đánh giá lợi ích của việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em vượt trội hơn so với các tác dụng phụ tiêu cực có thể xảy ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, thậm chí một số nước đang thí điểm từng bước để tiến tới mở rộng tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tốc độ tiêm chủng cho lứa tuổi này tăng nhanh trước thềm năm học mới tại một số quốc gia. Vaccine được lựa chọn là Pfizer và Moderna.
Italia đặt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho hầu hết trẻ trong độ tuổi 12-18 trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9. Theo báo cáo công bố ngày 24/8 của Chính phủ Italia, 49,86% trẻ từ 12-18 tuổi của quốc gia này hiện đã được tiêm 1 liều, và 28,39% đã tiêm đủ liều.
Trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng, Đức đã chính thức triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả trẻ trên 12 tuổi kể từ ngày 16/8. Theo Ủy ban STIKO – cơ quan gồm các chuyên gia tư vấn về vaccine cho Chính phủ Đức, quyết định này được đưa ra trên cơ sở xem xét các dữ liệu an toàn mới nhất, đặc biệt là từ Mỹ, sau khi vaccine được tiêm cho khoảng 10 triệu trẻ em từ 12-18 tuổi. Ủy ban cũng cho hay, "những lợi ích từ việc tiêm vaccine vượt trội so với nguy cơ mắc các tác dụng phụ hiếm gặp sau tiêm".
Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi, với chiến dịch bắt đầu từ ngày 15/6. Theo số liệu do Santé Publique France công bố ngày 19/8, hơn 56% trẻ em Pháp độ tuổi 12-17 đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó tỷ lệ tiêm đủ liều là 32,4%. Đến ngày 2/9, tỷ lệ tiêm đủ liều đã lên tới 47%.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh. Điều này nhằm tiến tới cho học sinh đã được tiêm vaccine sớm có thể trở lại trường học như cách làm của một số nước.
Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế cũng đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Trước đó, vào ngày 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc làm việc với một số Bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022. Chia sẻ về giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ em, ngày 27/10 Sở Y tế TP HCM đã chính thức khởi động tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở quận 1 và huyện Củ Chi. Những người tham gia công tác tiêm chủng tại huyện Củ Chi và các quận huyện khác đều được tập huấn trực tuyến về đảm bảo an toàn tiêm phòng COVID-19 cho trẻ do Sở Y tế và Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp tổ chức. Hầu hết phụ huynh có con từ 12-17 tuổi đều đăng ký cho con em họ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tiêm vắc xin cho học sinh tại TP.HCM. Ảnh HCDC.
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Nhằm thống nhất công tác triển khai, với mục tiêu đảm bảo tiêm chủng an toàn, chiều 29/10, Bộ tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước đại dịch, đồng thời góp phần tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng.
Hiện nay, một số vaccine COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17.
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em sẽ theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.
Với trẻ trong độ tuổi 12 - 17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.
Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tại buổi tập huấn, Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cở sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vaccine.
Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện trẻ em trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.
Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vaccine COVID-19 an toàn, đủ liều.
Nếu trẻ em được tiêm chủng an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới.
Thực hiện: Thương Huyền