Vaccine COVID-19 cho nhân viên bán lẻ: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến Chính phủ kiến nghị người lao động tại các điểm bán lẻ hàng hóa thiết yếu như siêu thị, chợ truyền thống... cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Do đây là nhóm hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng; đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi ngày
Việc bổ sung lao động trong ngành bán lẻ hàng hoá thiết yếu vào danh sách được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 sớm nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị ngành y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 25/5 Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã gửi công văn đề xuất đến Bộ Y Tế và Bộ Công Thương. Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội nêu ý kiến: "Với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ lây nhiễm phơi nhiễm COVID-19 là rất cao. AVR khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng".
Là doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn nhất nước với hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ phủ sóng khắp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết mỗi ngày hệ thống bán lẻ này phục vụ hàng triệu lượt khách hàng. Mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch, nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch COVID-19 của nhóm nhân viên ngành bán lẻ vẫn rất cao. VinCommerce đề xuất được Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện cho hơn 22.000 cán bộ nhân viên hiện đang công tác tại 59 tỉnh thành của hệ thống bán lẻ này được nhanh chóng tiêm vaccine phòng dịch bệnh COVID-19. "Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ song song tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng", bà Phương cho biết.
Nhà máy, siêu thị tăng cường phòng chống dịch
Trong khi chờ đợi nguồn vaccine, nhiều nhà máy, khu công nghiệp và hệ thống bán lẻ trên cả nước đã thực hiện tuân thủ tuyệt đối quy định 5K phòng dịch. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống VinMart, VinMart+ thuộc VinComerce đã thiết lập quy trình phòng chống dịch tuân thủ chặt chẽ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hàng hóa trước khi vào siêu thị phải được kiểm dịch khắt khe, đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+. Tất cả nhân viên bán lẻ tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Tất cả khách hàng trước khi vào siêu thị mua sắm đều được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt ngay tại cổng vào.
Hàng hóa tại siêu thị VinMart/VinMart+ đáp ứng tiêu chí "Tươi ngon thượng hạng"
Khách mua hàng rửa tay khử khuẩn trước khi vào siêu thị VinMart
Là nơi sản xuất các mặt hàng thiết yếu như mì, phở, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, các nhà máy của Masan đã áp dụng nghiêm ngặt các quy định 5K phòng dịch. Giám đốc Công ty TNHH Masan MB tại Nghệ An, ông Trần Mạnh Cường chia sẻ: "Masan MB chuyên sản xuất các loại hàng hóa tiêu dùng, với quy mô 600 cán bộ, công nhân viên. Trước tình hình dịch COVID-19, ngay từ rất sớm, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó thích ứng với từng giai đoạn của dịch bệnh. Công ty có những yêu cầu hết sức khắt khe trong phòng chống dịch."
Theo đó, Masan MB đã thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra, vào cơ sở sản xuất. Tại cổng ra vào, công ty đã thiết lập điểm chốt phòng, chống dịch. Người vào công ty đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử trùng và được yêu cầu đeo khẩu trang đúng cách… Các loại phương tiện vào công ty, kể cả xe đưa đón công nhân viên đều được khử trùng bề mặt. Đối với xe đưa đón công nhân, khi nhân viên lên xe đều được yêu cầu khử trùng, xịt khuẩn tay, đo thân nhiệt. Đối với phương tiện đến từ vùng dịch thì được phun khử khuẩn cả buồng lái, tài xế phải mặc đồ chống dịch, ngồi trong xe suốt thời gian ở nhà máy...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu trong các doanh nghiệp khi làm việc phải đảm bảo thông thoáng, hạn chế tối đa bật điều hoà, trừ trường hợp bắt buộc, thay vào đó mở tất cả các cửa, bật quạt. Trong các phân xưởng, giữa các công nhân phải đảm bảo khoảng cách, khi làm việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Xe vận chuyển công nhân cũng không được chở quá 50% lượng người và không được bật điều hoà.
Các biện pháp phòng dịch phải thực hiện đồng bộ cả hai nơi: ở doanh nghiệp và cộng đồng, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.