Vải thiều đi đường biển sang Nhật vẫn giữ độ tươi ngon dù "lênh đênh" 13 ngày
Hơn 13 ngày lênh đênh trên biển, 2 container vải thiều Việt Nam đã cập bến Nhật Bản vẫn giữ độ tươi ngon phục vụ người tiêu dùng đất nước mặt trời mọc. Đây là lần đầu tiên vải thiều của Việt Nam xuất khẩu bằng đường biển sang Nhật.
Vải thiều Việt Nam tiếp tục đi đường biển sang Nhật.
2 container vải thiều tươi đi bằng đường biển lần này có trọng lượng 8 tấn, do Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam làm quy trình, thủ tục xuất khẩu từ ngày 18/6, xuất phát từ cảng Hải Phòng ngày 22/6. Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Nhật Bản trong vòng 7 ngày, tuy nhiên vì lý do khách quan nên hôm qua ngày 4/7 tàu mới tới nơi.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), ngay khi đến Nhật Bản, toàn bộ các cửa hàng, siêu thị của Nhật đã lấy lô hàng 8 tấn vải thiều tươi của Việt Nam về để bán.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, vì nhiều lý do 2 container vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu theo đường biển sang Nhật Bản mất tới 13 ngày đi biển và lưu kho thông quan. Đáng chú ý, dù bị trễ mấy ngày so với dự kiến ban đầu nhưng khi mở ra, quả vải vẫn giữ được màu sắc tươi ngon, đảm bảo chất lượng.
Được biết, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường biển sang Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với vận chuyển bằng máy bay. Theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển vải thiều sang Nhật Bản bằng máy bay là 3 USD/kg, trong khi vận chuyển bằng đường biển giá thành chỉ 0,02 USD/kg.
Đây là năm đầu tiên vải thiều tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản. Để quả vải được xuất khẩu sang Nhật thành công trước đó năm 2014 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam. Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật (là đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản: 03 lần (tháng 11/2018), (tháng 5/2019), (tháng 11/2019).
Ngày 15/12/2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục BVTV thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.
Ngày 19/6, 01 tấn vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không và gây nên hiện tượng "cháy" hàng tại các siêu thị ở Nhật Bản.
Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm:
Quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 02 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Nam Dương
Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.