Vai trò của báo chí trong quảng bá, tiếp thị hình ảnh địa phương, doanh nghiệp

Diễn đàn
10:32 AM 21/06/2023

Xuyên suốt chặng đường 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò là cầu nối “ý Đảng, lòng dân”. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với sự tác động nhiều chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đã phát huy vai trò vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho địa phương và doanh nghiệp.

Báo chí là "người bạn" đồng hành của doanh nghiệp

Doanh nghiệp chính là nguồn đề tài phong phú, đa dạng; là nguồn cảm hứng để các tác phẩm báo chí thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống, có tính thực tiễn cao. Trong đó, hàng loạt những đề tài về kinh tế, đầu tư, kinh doanh, lợi nhuận, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân…

Gắn bó với sự vận động, phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, báo chí kịp thời phản ánh, lên án những doanh nghiệp chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật, những hiện tượng doanh nghiệp trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội… Đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thành công và thất bại để cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm.

Vai trò của báo chí trong quảng bá, tiếp thị hình ảnh địa phương, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tặng hoa chúc mừng báo giới nhân kỷ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng

Về phía mình, trước xu thế chung của xã hội thông tin hiện nay, dù kinh doanh, sản xuất ở lĩnh vực nào thì các doanh nghiệp cơ bản đều đánh giá cao vai trò của báo chí trong quá trình phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp. Nhất là trong việc lựa chọn đối tác; xây dựng và phát triển thương hiệu; quảng cáo sản phẩm; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; cập nhật kịp thời các thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước...

Trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với những biến động địa chính trị khó lường trên thế giới đã gây ra những tổn thất hết sức nặng nề đến nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp là chủ thể chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Vai trò của báo chí trong quảng bá, tiếp thị hình ảnh địa phương, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Rất nhiều lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp chia sẻ: Trong suốt những năm tháng chống chọi với đại dịch COVID-19, thường xuyên quan tâm, theo dõi thông tin mà các cơ quan báo chí đăng tải, chúng tôi nhận thấy những thông tin mà cơ quan báo chí cập nhật, truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Nhờ báo chí mà các doanh nghiệp có được thông tin đa dạng, nhiều chiều trong và ngoài nước, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng mà vươn lên đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhất. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, các thông tin về doanh nghiệp được chuyển tải không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước. 

Hiện nay, trước những biến động mạnh mẽ của thị trường và những khó khăn chung của nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng mà thực tiễn đang đặt ra là cần không ngừng thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Theo đó, để nâng cao mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan báo chí đều cần hướng tới sự chuyên nghiệp trong cung cấp và xử lý thông tin.

Để phát huy hơn nữa mối liên hệ chặt chẽ giữa báo chí với cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, trên cơ sở tôn chỉ, mục đích hoạt động, từng cơ quan báo chí phải phát huy sứ mệnh của mình, thông tin trung thực, khách quan; thực hiện tốt vai trò cầu nối, góp phần cùng Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần phát huy năng lực, phẩm chất đạo đức nhà báo, đảm bảo chất lượng thông tin; đồng thời góp phần từng bước tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông chia sẻ của xã hội để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Báo chí trong xây dựng, quảng bá thương hiệu địa phương

"Thương hiệu" của địa phương chính là các điểm đặc trưng, nổi bật để nhận biết, phân biệt giữa các vùng miền. Thương hiệu địa phương cũng giúp tạo ra sự khác biệt, đồng thời khẳng định uy tín, danh tiếng, sứ mệnh của sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương trên thị trường như điểm đến du lịch, thương hiệu sản phẩm, sản vật nổi tiếng của địa phương…

Các phương tiện truyền thông đóng vai trò như công cụ quan trọng trong thiết lập hình ảnh, thương hiệu toàn diện và xuyên suốt cho địa phương, mở rộng giá trị địa phương ở nhiều cấp độ và không gian khác nhau. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, giúp nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của cộng đồng trong và ngoài nước về địa phương, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu. Báo chí cũng có thể được sử dụng như một cách tiếp cận có tính chiến lược để đem lại cho các địa phương giá trị kinh tế, chính trị và văn hóa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, cạnh tranh đã không còn nằm ở quy mô doanh nghiệp với doanh nghiệp mà nó đã tiến xa hơn thành sự cạnh tranh giữa các địa phương và giữa các quốc gia. Trên thực tế, đã có những địa phương nhạy bén trong vấn đề này, chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí nhằm xây dựng môi trường thông tin toàn diện, đầy đủ, tích cực qua đó mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư…

Vai trò của báo chí trong quảng bá, tiếp thị hình ảnh địa phương, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Là địa phương có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, có vịnh Hạ Long được ví như thiên đường trên biển, cùng với đó là 5 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt và hơn 600 di tích lịch sử văn hóa khác. Tất cả đã tạo cho tỉnh Quảng Ninh một nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam và khu vực. 

Trong sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh luôn có sự đồng hành, ủng hộ, chung tay đóng góp của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó báo chí, truyền thông đóng vai trò ngoại lực, tạo nên cú huých cho du lịch Quảng Ninh thay đổi diện mạo như ngày hôm nay. Báo chí và truyền thông đã đồng hành cùng sự phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh từ những thời gian đầu hình thành và phát triển cho tới ngày nay khi du lịch đã phát triển vươn lên mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Quảng Ninh.

Vai trò của báo chí trong quảng bá, tiếp thị hình ảnh địa phương, doanh nghiệp - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Hiện nay với ứng dụng tòa soạn đa phương tiện, một số cơ quan báo chí đã đăng tải nội dung truyền thông, quảng bá trên đa sản phẩm, đa nền tảng. Nhờ đó, hình ảnh thương hiệu địa phương xuất hiện trên cả nền tảng báo in, nền tảng phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, mạng xã hội; tiếp cận được đông đảo, đa dạng công chúng hơn. Nội dung truyền thông về cơ bản đảm bảo được tính linh hoạt, đa dạng trong sự nhất quán, đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên trong bối cảnh internet, mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, giúp người dùng kết nối với nhiều nguồn tin, báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền mà bị đặt vào thế cạnh tranh, khi vừa phải bảo đảm tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

Để trở thành kênh thông tin được lựa chọn, tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với mạng xã hội, với vô vàn tin giả, tin sai lệch, báo chí phải có giá trị thông tin, thông tin được xác minh, kiểm chứng và toàn cảnh. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo hiện nay cần nỗ lực không ngừng để cập nhật kiến thức làm báo trong thời đại công nghiệp 4.0, sẵn sàng đón nhận thách thức, đồng hành cùng xu thế, để lớn mạnh và trưởng thành, đồng thời vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng Việt Nam.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp Giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa để có kịch bản ứng phó phù hợp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ biến động giá cả hàng hóa thế giới và trong nước để chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.