Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý
Ngày 28/8, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Khung pháp lý Tài sản số lần 7 với chủ đề "Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý".
Chương trình có sự tham dự của đại diện nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP Đà Nẵng, các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Hội luật gia Đà nẵng, Đoàn Luật sư Đà Nẵng, Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,...
Theo báo cáo từ Hội đồng Đại Tây Dương, tính tới tháng 8/2024 có 33/60 quốc gia (tương đương 55%) tham gia khảo sát đã hợp thức Tài sản số. Trong đó có 12 nền kinh tế (chiếm tổng 57% GDP toàn cầu) thuộc nhóm G20 đã chính thức luật hóa Tài sản số. Chỉ có 10/60 quốc gia cấm toàn bộ và 17/60 nước cấm một phần hoạt động này.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là kể cả ở các quốc gia đã có hành lang pháp lý về Tài sản số thì tỷ lệ trốn thuế và báo cáo sai về giao dịch tài sản số, tài sản mã hoá cũng đang ở mức rất cao, dao động từ 55-95%, theo báo cáo từ PwC năm 2024. Nguyên nhân được cho là do hướng dẫn thuế không rõ ràng, thiếu thông tin, và giao dịch ngoài nghĩa vụ báo cáo. Tỷ lệ trên giảm còn 5% khi có thông tin từ bên thứ ba.
"Nếu như quy định pháp luật về Tài sản số giúp đảm bảo sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia thì Quy tắc đạo đức, Tiêu chuẩn cộng đồng sẽ giúp củng cố niềm tin và thúc đẩy sự thực thi quy định pháp lý từ chính nội tại cộng đồng", ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Phan Đức Trung, Quy tắc đạo đức và Tiêu chuẩn cộng đồng ở lĩnh vực nào cũng quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng đối với các lĩnh vực đang ở vùng xám, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ như Tài sản số. Đặc biệt, với các đặc tính như xuyên biên giới, hoạt động 24/7 và khả năng thanh khoản nhanh, Tài sản số thường bị lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, trốn thuế,.. thì những nguyên tắc mềm do chính cộng đồng xây dựng và phát triển như thế này lại càng có ý nghĩa.
Tại Việt Nam, báo cáo của Chainalysis chỉ ra dòng tiền mã hoá về Việt Nam đã đạt mức 120 tỷ USD/năm, tương đương gần 30% GDP với số lượng người dân sở hữu tài sản mã hoá đạt 17,4%, đứng thứ 7 thế giới. Trong khi đó, do thiếu cơ sở pháp lý để quản lý thị trường này nên thực tế cho thấy nhiều hệ luỵ đang diễn ra như lừa đảo, trốn thuế/thất thu thuế, huy động vốn trái phép,.. khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng.
Có thể kể đến các sàn giao dịch tài sản số đang hoạt động không phép và quảng bá dịch vụ phi pháp, tràn lan tới nhiều đối tượng người dùng mà không có bất kỳ chế tài nào để quản lý nhằm bảo vệ người dùng và truy thu thuế như BingX, MEXC, Binance,... Nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO… liên tục tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh nhằm thu hút huy động vốn từ cộng đồng.
Một số trường hợp điển hình như KardiaChain với một loạt pháp nhân liên quan như KardiaChain Foundation, Kaitech Holding Ltd, CTCP kết nối chuỗi khối KardiaChain đã chiếm đoạt khoảng 71 triệu USD (tương đương 500 triệu KAI token tính theo giá thị trường ngày 25/11/2021) từ 9 cá nhân, tổ chức.
Cũng do thiếu ràng buộc pháp lý, dẫn đến việc các sàn giao dịch không có hành động phù hợp bảo vệ quyền lợi khách hàng khi có sự cố xảy ra. Đơn cử như vụ việc 100.000 USDT giữa người dùng Việt Nam với sàn MEXC, khi nhận được yêu cầu phối hợp xử lý trường hợp bị lừa đảo thông qua sàn, MEXC đã yêu cầu khách hàng phải ký Biên bản cam kết bảo mật thông tin (NDA) mới tiếp tục hỗ trợ xử lý nhưng đến nay người dùng vẫn không nhận được sự hỗ trợ nào.
Tương tự, sàn Gate.io đã từ chối hợp tác giúp nhà đầu tư lấy lại 800.000 USDT bị lừa đảo và đưa lên sàn này. Trước đó, nạn nhân đã gửi đơn hỗ trợ đến chương trình truy vết giao dịch ChainTracer của VBA để nhờ hỗ trợ. Khi chương trình truy vết tìm ra các dòng tiền chảy về Gate.io thì đơn vị này đã từ chối hỗ trợ nạn nhân. Gate.io cũng là một trong những sàn giao dịch bị cảnh báo trực tiếp từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về tính pháp lý.
Theo ông Trung, sở dĩ các sàn giao dịch tiền mã hoá này từ chối hợp tác và hỗ trợ nạn nhân vì "chúng ta đang thiếu cả hành lang pháp lý lẫn Quy tắc đạo đức và Tiêu chuẩn cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi một hành lang pháp lý hoàn chỉnh luôn có độ trễ nhất định so với thực tế cuộc sống do cần thời gian để hoàn thiện và ban hành thì các Quy tắc đạo đức và Tiêu chuẩn cộng đồng lại là những công cụ mạnh mẽ và nhanh chóng để giải quyết hiệu quả một phần những vấn đề hiện nay của thị trường Tài sản số".
Đồng quan điểm, ông Võ Quang Vân Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TP Đà Nẵng cho rằng, đối với lĩnh vực Tài sản số, cộng đồng có 3 vai trò chính là: Đầu tiên là Thước đo kiểm chứng cho tính đúng đắn, phù hợp của các văn bản pháp luật ban hành liên quan.
Thứ hai, đảm bảo cho tính minh bạch, khách quan trong quá trình thực thi pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, kiểm soát, theo dõi lẫn nhau về việc chấp hành pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ quan thực thi luật pháp và thứ ba giúp các cơ quan ban hành và thực thi pháp luật mới nhận thấy những hạn chế, thiếu sót trong văn bản để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng tại sự kiện này, ông Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng) đã chia sẻ Nghị quyết 136/2024/QH15 do Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 26/6/2024 về việc tổ chức chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng nhằm ưu tiên thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức 7 hội thảo Góp ý xây dựng Khung pháp lý Tài sản số với hơn 5.000 người tham dự trực tiếp và đại diện hơn 50 cơ quan nhà nước như Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Lập pháp của Quốc hội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),...
Khoảng 200 cơ quan báo chí, đài truyền hình đã quan tâm, đưa tin về sự kiện cũng như các nội dung được thảo luận trong hơn 550 bài báo, phóng sự truyền hình. Các cá nhân, tổ chức có liên quan cũng đã gửi hơn 100 ý kiến góp ý nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý quản lý Tài sản ảo hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và thông lệ toàn cầu.
Nguyễn TuấnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.