Vai trò của Y học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị người bệnh và vận động viên.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và các vận động viên về khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam nói chung và Khoa Y học cổ truyền (YHCT) nói riêng thời gian qua luôn thực hiện tốt nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp đông y. Đồng thời làm tốt vai trò cầu nối giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, góp phần cùng ngành y tế huyện thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân và các vận động viên trên cả nước.
Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam là bệnh viện đứng đầu cả nước chuyên khám và điều trị bệnh cho ngành thể dục thể thao, Bệnh viện đã và đang khẳng định vị thế của mình trong việc chăm sóc, khám và điều trị bệnh cho tất cả những người trong ngành và toàn thể người dân trên cả nước.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả vai trò của Y học cổ truyền trong khám và điều trị bệnh cho các bệnh nhân, đặc biệt là các vận động viên, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã xây dựng khoa Y học cổ truyền nhằm thực hiện Khám bệnh và điều trị ngoại - nội trú cho bệnh nhân bằng các bài thuốc y học cổ truyền kết hợp với kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu. Hướng dẫn người bệnh về những kiến thức cơ bản của các bài xoa bóp, day ấn huyệt, tập dưỡng sinh... trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mình.
Là đơn vị trực thuộc Hội Đông y Thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Đông y Trường Xuân đã đóng góp tích cực vào các hoạt động chăm sóc, thăm khám và nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng đông y. Với mong muốn phát huy vai trò của Đông y trong khám và điều trị bệnh, Công ty cổ phần Đông y Trường Xuân đã hợp tác với Bệnh viện Thể thao Việt Nam để cùng nhau hỗ trợ, đưa ra được những hướng điều trị mới bằng Đông y tốt nhất cho mọi người nhất là các vận động viên thể thao.
Để hiểu rõ hơn về việc ứng dụng Y học cổ truyền trong khám và điều trị cho người bệnh đặc biệt là các vận động viên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Võ Trường Kha – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Thể Thao Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn BS đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Thưa BS, BS có thể chia sẻ về vai trò của Đông y trong điều trị chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
PGS.TS.BS Võ Trường Kha: Đông y hay có thể nói là Y học cổ truyền đã có từ hàng nghìn năm trước, đã cứu chữa được rất nhiều thế hệ con người tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, có một số bệnh lý mà Y học hiện đại, y học cụ thể… vẫn đang đi tìm cách giải quyết, trong khi đó Y học cổ truyền có thể tìm ra phương án giải quyết bằng cách lặp lại cân bằng âm dương, lặp lại ngũ hành, điều hòa lại khí huyết… Điều này chứng tỏ rằng Y học cổ truyền vẫn còn sức sống, có giá trị trong thời đại y học hiện đại, công nghệ 4.0, công nghệ Nano sinh học.
Hiện nay tại các tuyến y tế phường, xã, thôn bản, y học cổ truyền vẫn là phổ biến trong chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh của người dân. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đều có khoa Y học cổ truyền, hệ thống y học cổ truyền, thậm chí là Học viện Y học cổ truyền… Như vậy chúng ta thấy rằng, việc kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại là việc xuyên suốt cả chiều dài lịch sử cho đến bây giờ. Cho nên vai trò của Y học cổ truyền không thể không thừa nhận trong nền y học của nước nhà và cả nền y học của thế giới.
PV: Vậy thưa BS, đối với các vận động viên thể thao, do đặc thù nghề nên hay gặp phải các chấn thương…, BS có thể chia sẻ về vai trò hỗ trợ của Đông y đối với các vận động viên thể thao như thế nào?
PGS.TS.BS Võ Trường Kha: Đối với các vận động viên thì có nhiều bệnh lý trong quá trình tập luyện, trong quá trình thi đấu như bệnh lý chấn thương, bệnh lý sau chấn thương, kiệt sức, vấn đề tăng cường sức lực, tăng cường thể chất… những vấn đề này cần có sự hỗ trợ của Y học cổ truyền. Y học cổ truyền về cơ bản giúp cho việc cân bằng âm dương, giúp cho tinh khí thần xung mãn, điều này là cơ sở giúp các vận động viên có đủ năng lượng, đủ sức khỏe, trí tuệ để thi đấu.
Đối với các chấn thương, có những chấn thương cấp tính như bong gân, trật khớp thì dùng Y học cổ truyền để điều trị rất nhanh khỏi. Hoặc trong trường hợp cứng khớp, phục hồi sau chấn thương, bên Đông y sẽ sử dụng phương pháp ngâm thuốc, đắp thuốc, chườm thuốc và xoa bóp…
Hay trường hợp để tăng cường thể lực, tăng cường sức đề kháng, bên Đông Y sẽ sử dụng một số bài thuốc như bổ khí, bổ huyết làm tăng thể lực, và thực tế một số bài thuốc của Đông y như: Đông trùng hạ thảo, Nhân sâm, linh chi, nhung hươu… đều có thể làm tăng cường thể lực, tăng cường sức mạnh cho vận động viên.
Đối với các phương pháp hồi phục, trong Đông y sẽ dùng các bài thuốc xông bằng thuốc, bằng tinh dầu kết hợp với xoa bóp tác động vào huyệt đạo, huyệt vị giúp điều hòa được khí huyết, kinh lạc, giải được độc tố, giúp nhanh chóng hồi phục cơ thể.
Ngoài ra, đối với các vấn đề khác như căng thẳng thần kinh, rối loạn tâm lý, mất ngủ, suy nhược thần kinh của vận động viên sẽ hỗ trợ vô cùng hiệu quả. Tóm lại, Đông y có hiệu quả và có giá trị trong y học thể thao, nhưng cần phải tổ chức, nghiên cứu, ứng dụng bài bản và đánh giá một cách khoa học.
PV: Để nâng cao hơn nữa vai trò của các sản phẩm và thuốc của Đông y trong điều trị, là một trong những hội viên của Hội Đông y thành phố Hà Nội, BS có thể cho biết vai trò quan trọng của Hội Đồng khoa học Hội Đông y thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu các sản phẩm cũng như các bài thuốc điều trị bằng Đông y?
PGS.TS.BS Võ Trường Kha: Hội đồng khoa học có vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định các bài thuốc, các phương pháp không dùng thuốc của Đông y để sử dụng cho con người nói chung và đặc biệt là sử dụng cho vận động. Để có được đánh giá, thẩm định chính xác, khách quan, cần quy tụ các nhà khoa học về Đông y, có sự hiểu biết về Tây y, đặc biệt có sự hiểu biết về vấn đề dược lý, vấn đề hóa dược, vấn đề tương tác thuốc, và nếu dùng trong vận động viên phải quy tụ những người hiểu biết về vấn đề y học thể thao và vấn đề kiểm soát Doping thì lúc này sản phẩm đưa ra sẽ vừa mang tính có khoa học, vừa mang tính chất thực tiễn, vừa an toàn cho người dùng, cho vận động viên và có hiệu quả, và lúc đó thương hiệu và vai trò của Đông y càng được nổi bật sao với Tây y trong cộng đồng xã hội nói chung và trong giới thể dục thể thao nói riêng.
PV: Được biết sắp tới Bệnh viện thể thao sẽ chuẩn bị cho một số hoạt động như Seagame 31…, Bệnh viện sẽ có những hoạt động chính gì, thưa BS?
PGS.TS.BS Võ Trường Kha: Bệnh viện Thể thao Việt Nam là bệnh viện duy nhất của hệ thống y học thể thao nước nhà. Xác định rõ vai trò của bệnh viện nên trong năm 2021, Bệnh viện đã thành lập bộ môn y học thể thao cùng trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội có trụ sở tại bệnh viện. Và mới đây, bệnh viện phối hợp cùng với các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và Hội sinh lý học Việt Nam tổ chức thành lập Đại hội Chi Hội sinh lý học thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ nhất với mục đích quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chuyên môn… để nghiên cứu về vấn đề y học thể thao nhằm phục vụ cho nền y học thể thao nước nhà. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiến hành thành lập mã ngành để đào tạo bác sĩ thể thao.
Cùng với đó, bệnh viện sẽ cử người tham gia tiểu ban y tế và kiểm tra Doping nhằm kiểm soát về vấn đề y tế, an toàn tập luyện và thi đấu, vấn đề phòng chống dịch, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, bệnh viện cử cán bộ tham gia các đội tuyển đang thi đấu, đang tập huấn tại các trung tâm để đảm bảo sức khỏe và hồi phục thể lực cho các vận động viên để chuẩn bị cho Seagame.
Định kỳ bệnh viện vẫn hội chuẩn trực tuyến và có các chuyến công tác đến các trung tâm huấn luyện thể thao để tham gia sàng lọc vấn đề chấn thương, vấn đề bệnh lý đặc biệt là bệnh lý tim mạch cho vận động viên, dảm bảo cho vận động viên trước khi vào Seagame vận động viên luôn khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, còn một số nhiệm vụ khác đột xuất, bệnh viện sẽ tổ chức trực y tế tại các khách sạn, tại các nhà thi đấu, tại sự kiện để chuẩn bị cho lễ khai mạc Seagame.
PV: Xin cảm ơn BS đã nhận lời tham gia phóng vấn của chúng tôi. Chúc bác sĩ có thật nhiều sức khỏe và công tác tốt.
Xuân Quý - Lê ThủyGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.