Văn bản dưới Luật đang gây trở ngại cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:39 PM 25/05/2021

Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó top 10 thị trường gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Anh, Canada, Nga, chiếm khoảng 92-93% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm bấy lâu nay vẫn thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) khi nhập khẩu về Việt Nam nhưng lại được “gắn mác” kiểm dịch là đi ngược lại với tinh thần cải cách hành chính. 

Văn bản dưới Luật đang gây trở ngại cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản - Ảnh 1.

Sản phẩm xuất khẩu chính năm 2020

Trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, gồm: Thông tư 06/2010/TTBNNPTNT gày 2/2/2010, sau đó được thay thế bởi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016. Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư 36/2018/TTBNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/ TT-BNNPTNT ngày 22/10/2019.

 Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, các văn bản dưới Luật này lại đang chi tiết hóa theo chiều hướng đa dạng các sản phẩm cần kiểm dịch. 

Danh sách sản phẩm kiểm dịch ngày càng… phình 

Song song với các quy định có sẵn, tiến trình thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, càng về sau danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh. 

Ví dụ, Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, không phải lấy mẫu xét nghiệm với các sản phẩm thuỷ sản đã bỏ nội tạng được xử lý nhiệt; ướp muối, phơi khô, hun khói hoặc bảo quản đông lạnh dưới -180C sau thời gian ít nhất 7 ngày (trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ phải duy trì tối thiểu -180C). Thủy sản và các sản phẩm thủy sản sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm cũng không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

Văn bản dưới Luật đang gây trở ngại cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản - Ảnh 2.

Sản phẩm xuất khẩu chính năm 2020

Nhưng đến Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, sau khi được “nâng cấp” từ Thông tư 06/2010/TTBNNPTNT thì danh mục phải kiểm dịch đã bao gồm “sản phẩm động vật thuỷ sản ở dạng tươi sống, sơ chế, đông lạnh, ướp lạnh (bao gồm cả động vật thuỷ sản đã chết ở dạng nguyên con) và cả các sản phẩm động vật thuỷ sản ướp muối, sản phẩm đã qua xử lý (phơi khô, sấy khô, hun khói). Thậm chí cả các sản phẩm động vật thuỷ sản ở dạng chế biến, đóng hộp, dầu cá”.

Cuối cùng, Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT hiện đang áp dụng, cơ bản những điều của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT lại được đưa vào thêm việc đánh giá sản phẩm động vật thuỷ sản có nguy cơ cao là sản phẩm động vật thuỷ sản ở dạng sơ chế, tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh. 

Trong khi những văn bản mang tính kỹ thuật sâu này còn gây tranh cãi vì xu hướng mở rộng đối tượng cần kiểm dịch, thì hiện nay, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT. Đây là thông tư về mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT. Trong đó, quy định rõ những dòng hàng nào phải kiểm tra nhập khẩu theo kiểm dịch, kiểm tra ATTP hay kiểm tra chất lượng hàng hoá. 

 Đại diện VASEP nhìn nhận, công tác kiểm dịch nhập khẩu của ngành thú y với các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến hiện nay thực chất là công tác kiểm tra ATTP. 

Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT là danh mục để cơ quan Hải quan có thể đối chiếu, xem xét các giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành để thông quan các lô hàng. “Nếu ban hành với các danh mục theo hướng đang dự thảo sửa đổi này sẽ khiến hơn 80% số lượng sản phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu đúng ra thuộc danh mục miễn kiểm tra nhập khẩu về an toàn thực phẩm (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) sẽ phải kiểm dịch 100% khi nhập khẩu”.

 So sánh các hình thức kiểm tra ATTP và kiểm dịch cho sản phẩm thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm hiện nay. Theo đó, thực tế sản phẩm thủy sản nhập khẩu được chia làm hai nhóm: Thứ nhất là nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu (nhóm I), thứ hai là nhập khẩu để tiêu thụ nội địa (nhóm II).

Nhóm I hiện nay vẫn đang thực hiện công tác “kiểm dịch” – như cách gọi của Cục Thú y là kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cảm quan (bao gói, ghi nhãn, ngoại quan) 100% lô hàng nhập khẩu. Khi có nghi ngờ thì thực hiện lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định trong Thông tư 36/2018/ TT-BNNPTNT. Bản chất chính là các chỉ tiêu ATTP. Trong khi nếu xếp đúng việc kiểm tra nhập khẩu nhóm hàng này là kiểm tra ATTP và thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật ATTP thì nhóm hàng này sẽ thuộc danh mục được miễn kiểm tra về ATTP nhập khẩu (Khoản 7 Điều 13).

Văn bản dưới Luật đang gây trở ngại cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản - Ảnh 3.

Thị trường xuất khẩu tôm và cá tra

Ở nhóm II là nhập khẩu để tiêu thụ nội địa, thì hiện nay cũng kiểm tra 100% lô hàng về hồ sơ và cảm quan. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được tiến hành theo nguyên tắc khác nhau giữa “sản phẩm nguy cơ cao” và “sản phẩm nguy cơ thấp” – và trung bình 5 lô lấy mẫu xét nghiệm 1 lô. Các chỉ tiêu xét nghiệm cũng theo quy định trong Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT và việc quyết định đạt hay không là dựa theo QĐ 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. 

Việc này cũng cho thấy bản chất đây là kiểm tra ATTP nhập khẩu, dù được mang tên là “kiểm dịch” trong Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT. Nếu nhóm hàng này được xếp đúng là kiểm tra ATTP, thì theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng chỉ kiểm 5% số lô hàng/năm khi đã đạt phương thức kiểm tra giảm. 

Đề xuất phương án quản lý hiệu quả

Trong văn bản góp ý về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT gửi tới lãnh đạo Bộ này hồi đầu tháng 3/2021, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cũng đề xuất để quản lý có hiệu quả, cần áp dụng quản lý rủi ro và gợi ý với Bộ NN&PTNT các phương án sau: 

Phương án thứ nhất được AmCham đề xuất là bỏ một số mặt hàng khỏi danh mục kiểm dịch để phù hợp với định nghĩa trong Luật Thú y và phù hợp với quản lý rủi ro. 

Phương án thứ hai, AmCham gợi ý, nếu Cục Thú y quan ngại một số mã hàng hóa khác trong các chương này có thể chứa các sản phẩm động vật chưa qua chế biến xử lý nhiệt thì nên có ghi chú rõ ràng về phạm vi áp dụng và miễn trừ các sản phẩm xử lý nhiệt. Nên có giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) cho sản phẩm nhập khẩu để đảm bảo các sản phẩm này được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tốt, đảm bảo an toàn... 

 AmCham cũng cho rằng trong danh mục có nhiều mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. “rất bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết mà không mang lại hiệu quả gì đáng kể” – AmCham đề nghị loại bỏ kiểm tra chất lượng trước thông quan cho các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn.

PV
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.